MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Bạch Đằng, Quảng Ninh. Ảnh: Plong

Đầu tư BOT giao thông như Quảng Ninh là hợp lý, hiệu quả

Đặng Tiến LDO | 15/05/2021 08:45

4 năm liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và để có được sự bứt phá ngoạn mục này, nhiều năm trở lại đây, hạ tầng giao thông của Quảng Ninh có sự bứt phá lớn, với nhiều tuyến cao tốc, cảng biển, sân bay được mở kết nối trong nước và quốc tế. Đây chính là nhờ vào mô hình BOT giao thông.

BOT giao thông nhìn từ Quảng Ninh

Trước năm 2010, phần lớn các tuyến quốc lộ tại tỉnh Quảng Ninh đều xuống cấp, thiếu tính kết nối vùng, ngoại trừ cầu Bãi Cháy được thực hiện bằng vốn ODA của Nhật Bản. Cùng với đó, các đường tỉnh chỉ đạt cấp IV miền núi, đường liên xã bêtông hóa chỉ đạt trên 30% và xuống cấp.

Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội đúng tầm của địa phương có nhiều ưu ái của thiên nhiên, Quảng Ninh đã mạnh dạn tự "cởi trói", tháo gỡ "nút thắt" về hạ tầng giao thông. Theo đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030", Quảng Ninh đã dành tổng quỹ đất trên 12.000ha cho phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020.

Và mới đây, sau kỳ họp thứ 7 của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, con số này đã được nâng lên là trên 13.000ha, đến năm 2030 là trên 15.700ha. Cũng theo Đề án, tỉnh Quảng Ninh đã lượng hóa được nguồn vốn cần phải có để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Theo đó, chỉ tính riêng giai đoạn từ 2015-2020 đã là trên 76.600 tỉ đồng, trong đó nhu cầu vốn từ nguồn ngân sách tỉnh là khoảng 10.173 tỉ đồng. Tiếp đó, giai đoạn từ 2020 - 2030 phải cần đến gần 79.500 tỉ đồng.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, những dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được triển khai với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng đang thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông của địa phương này.

Cụ thể như dự án nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Uông Bí, Hạ Long - Mông Dương, Mông Dương - Móng Cái; nâng cấp QL18C đoạn Tiên Yên - Hoành Mô, đường tỉnh 340, 329, đường vành đai phía Bắc TP. Hạ Long, QL18C, cảng Cái Lân, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Sân bay Vân Đồn…

Để thực hiện được hàng loạt các dự án trọng điểm trên với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng Quảng Ninh đã thực hiện theo phương thức hợp tác công tư (PPP) thông qua hình thức hợp đồng BOT với các nhà đầu tư.

Theo thống kê của Sở GTVT Quảng Ninh, đến nay, Quảng Ninh đã có 4 dự án giao thông trọng điểm được triển khai bằng hình thức hợp đồng BOT, gồm: Dự án Cầu Bạch Đằng; Dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; Dự án Cảng hàng không Vân Đồn; Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Uông Bí. Đây là những dự án quan trọng, mang tính chiến lược, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Nhờ những công trình này mà các cửa ngõ giao thông quan trọng để Quảng Ninh kết nối với quốc tế đều đã được mở.

Phải theo phân cấp quản lý

Với việc triển khai đồng loạt các dự án giao thông lớn, đã làm thay đổi bộ mặt giao thông của tỉnh Quảng Ninh, đồng thời đã giúp địa phương này lần đầu tiên trong cả nước có sân bay do tư nhân đầu tư; Cầu Bạch Đằng là công trình phức tạp và kỹ thuật khó đầu tiên hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam thực hiện. Cùng với đó, tuyến cao tốc của Quảng Ninh kết nối với tuyến cao tốc kéo dài từ Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía bắc Việt Nam với Trung Quốc và là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thái - Phó trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học GTVT, từ ngày 1.1.2021 Luật PPP có hiệu lực. Có phân cấp về quyết định đầu tư đối tác công tư trong đó có hình thức BOT. Theo đó sẽ uỷ quyền cho từng cấp ngành (Chính phủ, Bộ ngành, Uỷ Ban nhân dân các tỉnh), việc Bộ GTVT uỷ quyền cho các cơ quan địa phương thực hiện các dự án về giao thông là hoàn toàn có căn cứ và tính pháp lý.

Vì các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương khi xây dựng các dự án BOT trên các trục liên quan đến các địa phương phải có sự tham vấn, hỗ trợ cũng như sự phối hợp của địa phương. Đây là việc bắt buộc vì nó liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, bãi đổ thải… Việc một số địa phương đã chủ động tiến hành, cụ thể như Quảng Ninh đã đem lại hiệu quả kinh tế, đây là mô hình hợp lý.

Cũng theo ông Thái, với tư cách đại diện cơ quan Nhà nước, Bộ GTVT giám sát, quy trình và quy hoạch tổng thể sẽ xem xét việc kêu gọi đầu tư có nằm trong hệ thống quy hoạch của ngành không, vì quy hoạch của địa phương không thể làm khác với quy hoạch của vùng, của khu vực. Những dự án được địa phương kêu gọi đầu tư có nằm trong quy hoạch và định hướng đúng của phát triển của ngành, của đất nước hay không. Những công trình như cảng biển, sân bay, trục cao tốc là phải nằm trong quy hoạch của Nhà nước, nếu không quản lý tốt để địa phương tự làm thì sẽ phá vỡ toàn bộ quy hoạch của quốc gia.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT, vẫn cần có các tiêu chí cụ thể để địa phương chủ động về giải phóng mặt bằng và khan hiếm nguồn vật liệu. Chủ đầu tư không quan tâm việc các nhà thầu lấy nguồn vật liệu ở đâu mà chỉ quan tâm đến chất lượng và tiến độ công trình theo hợp đồng đã ký căn cứ trên giá được địa phương công bố. Giá này theo định mức giá của Bộ Xây dựng quy định, Bộ GTVT lấy căn cứ đưa vào hợp đồng, địa phương phải giám sát nguồn. Do đó, cần có cơ chế đặc thù để địa phương triển khai, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn