MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do tư nhân đầu tư đang hoạt động rất hiệu quả. Ảnh: GT

Đầu tư có trọng điểm, không ồ ạt mở thêm sân bay

Đặng Tiến LDO | 14/09/2022 09:08

Theo Tiến sĩ Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam (VAAST), việc nhiều địa phương đề nghị mở sân bay và phát triển ồ ạt các sân bay là không phù hợp. Trước việc nhiều địa phương (như Sơn La, Tuyên Quang và 11 địa phương khác) đề xuất xây sân bay cho thấy cần có sự tính toán và lựa chọn cẩn trọng.

Cần đầu tư có trọng điểm

Hiện cả nước có 22 cảng hàng không (CHK), sân bay với tổng diện tích khoảng 12.409ha. Theo tiêu chuẩn phân cấp của ICAO, 8 cảng hàng không quốc tế của Việt Nam thuộc cấp 4E, đường cất hạ cánh được trang bị thiết bị hỗ trợ cất hạ cánh, 1 CHK Phú Bài hiện đang thuộc cấp 4C. Cùng đó, các cảng hàng không nội địa của Việt Nam hiện có quy mô từ cấp 3C đến cấp 4D. Mạng cảng hàng không được quy hoạch trên quan điểm lấy mô hình kết cấu trục nan làm cơ sở chính với Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM là 3 điểm gom tụ lưu lượng hành khách, hàng hóa để nối với các đường bay nội địa và quốc tế.

Mạng CHK được phân bổ hài hòa, hợp lý. Tất cả các CHK trong hệ thống CHK toàn quốc là CHK dùng chung (dân dụng và quân sự) nên các CHK đều có vai trò quan trọng về kinh tế và quốc phòng, ngoài việc là cửa ngõ thúc đẩy phát triển kinh tế thì các CHK đều đảm bảo tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động khẩn cấp như phòng chống dịch bệnh, thiên tai trong thời gian qua đã cho thấy hiệu quả của việc phát triển hệ thống CHK theo quy hoạch đã duyệt.

Tiến sĩ Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam (VAAST) - cho rằng, quy hoạch hàng không không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế xã hội, mà còn phải tính đến sự phù hợp giữa hàng không dân dụng và hàng không quân sự, bảo đảm an ninh hàng không và an ninh quốc phòng. Do đó, việc nhiều địa phương đề nghị mở sân bay và phát triển ồ ạt các sân bay là không phù hợp. Cần có phân tích đầy đủ, tính toán sâu sát hơn các yếu tố định lượng kinh tế và quy mô điều kiện để được mở cảng hàng không mới.

Có cơ chế phù hợp

Theo ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT, trên cơ sở khoanh vùng bán kính 100km, tỉ lệ dân số Việt Nam được tiếp cận cảng hàng không đạt gần 96%, cao hơn mức bình quân 75% trên thế giới. Mạng cảng hàng không được quy hoạch trên quan điểm lấy mô hình kết cấu trục nan làm cơ sở chính, kết hợp mô hình "điểm - điểm" theo nhu cầu của thị trường, kết nối trung chuyển trong nước và quốc tế với công suất khoảng 150 triệu hành khách/năm.

Cũng theo Ts Trần Quang Châu, quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không cần dựa trên rất nhiều yếu tố như xác định nhu cầu hành khách, nhu cầu vận tải, mạng đường bay khai thác của từng sân bay. Trong khi đó theo PGS-TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, quy hoạch cảng hàng không phải được coi là đầu vào của các quy hoạch khác và ngược lại. Vì vậy, việc kết nối hạ tầng giữa các loại hình giao thông cũng là một vấn đề cần xem xét trong tổng thể để đưa ra quy hoạch và đầu tư cảng hàng không. Cần phân kỳ, làm rõ tổng mức đầu tư ưu tiên từng giai đoạn 5 năm cho từng nhóm cảng hàng không, quy hoạch cần có nhiều tính khả thi mà một trong những điều kiện then chốt là vốn và đất đai.

 Thận trọng khi kêu gọi đầu tư tư nhân

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xã hội hoá đầu tư cảng hàng không cần có sự hợp lý. Vì hiện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang quản lý, khai thác 21 cảng hàng không, trong đó chỉ có 7 cảng hàng không hoạt động có lãi và phải “gánh” cho 14 cảng hàng đang lỗ. Do đó, nếu giao cho các địa phương và nhà đầu tư tư nhân quản lý, khai thác cảng hàng không, khả năng chuyển lỗ thành lãi sẽ tốt hơn. Vì đây là quyền lợi sát sườn của họ, doanh nghiệp tư nhân sẽ giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, giao quyền cho các địa phương cũng cần có cơ chế phù hợp, sát thực, hiệu quả, khoa học và minh bạch.

Theo các chuyên gia về hàng không, việc các DN tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sân bay rất hoan ngênh. Nhưng Nhà nước cần phải làm rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên (Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân) để tránh đầu tư ảo để tranh thủ với các mục đích khác như đất đai, du lịch… Vì đầu tư hàng không không thể có lãi ngay, do đó cần phải điều chỉnh lại các văn bản pháp luật.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Đồng - Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt, Hội KHCN Hàng không Việt Nam - cho rằng, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là một vấn đề lớn, cần phải tập trung nhiều thông tin, nhiều chuyên gia chuyên sâu trong ngành cùng với việc tập hợp nhiều số liệu quan trọng của Quốc gia… mới có thể hoàn thành được yêu cầu như đã đặt ra. Đ.T

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn