MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau). Ảnh: T.Vương

Đầu tư thêm hệ thống truyền tải để tránh nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu điện

Vương Trần LDO | 21/06/2023 18:47

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, cần phải suy nghĩ về việc đầu tư xây dựng thêm một đường truyền tải 500 kV Bắc - Nam thứ 2 để truyền tải điện năng, tránh tình trạng quá tải hệ thống điện.

Suốt thời gian vừa qua, trong những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm lên tới 38-40 độ C, thì câu chuyện về việc cắt điện có lẽ còn “nóng hơn” cả nhiệt độ ngoài trời.

Nhiều người dân phải quay cuồng tìm cách tránh nóng do bị cắt điện, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh cũng bị ảnh hưởng do việc cắt điện. 

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - thẳng thắn nhìn nhận: Dù nói về nguy cơ, nhưng thực tế có một số nơi, ở một số thời điểm nhất định, đã xuất hiện tình trạng thiếu điện cho sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, từ đầu tháng 5 đến nay, tình trạng nắng nóng kỷ lục đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, diễn biến khó lường và dự kiến còn có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Tình trạng này đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt; trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện lại rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023, nhất là trong thời gian cuối tháng 5 vừa qua khi nguồn than nhập khẩu về chậm hơn nhu cầu thực tế phục vụ hoạt động phát điện.

Mặc dù nguy cơ thiếu điện hiện rõ nhưng hiện nay nhiều dự án nguồn điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời lại chưa được khai thác, sử dụng một cách triệt để, chưa được hòa lưới điện.

Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) - cho rằng, vừa qua có nghịch lý “vừa thừa, vừa thiếu điện”. Điều này một phần do sự độc quyền trong ngành điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ông Vân cho rằng, việc này liên quan tới tầm nhìn chiến lược trong việc trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trước hết là bài toán đa dạng điện năng. Theo đó, cần phải đa dạng hoá các nguồn sản xuất điện.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trong khu vực phía Nam có nhiều dự án điện gió, điện mặt trời nhưng không hòa lưới điện được có nguyên nhân do quá tải thì vấn đề đặt ra là phải có đường truyền tải để dẫn ra ngoài Bắc.

“Nếu có đường truyền tải như vậy, bài toán truyền tải được ở khu vực này đến khu vực kia đơn giản hơn nhiều và điều này sẽ tránh trường hợp “điện thừa mà vẫn thiếu” như vậy” - đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Ông Vân cho rằng, đây là bài toán trong điều hoà, điều tiết nguồn điện. Theo đó, EVN cần phải có sự điều tiết điện lực để các doanh nghiệp sản xuất điện được tham gia vào việc cung ứng điện. Và lúc cao điểm hay không cao điểm có điều phối cho phù hợp.

“Chúng ta nên suy nghĩ tới một đường dây truyền tải điện 500 kV thứ 2 để đảm bảo được năng lực truyền tải điện. Các doanh nghiệp sản xuất điện cũng có nhu cầu làm đường truyền tải nối vào hoà mạng. Điều này phải được tính toán đến để có một cơ sở hạ tầng truyền tải đủ sức hoà mạng các nguồn điện ở khắp nơi. Như vậy chúng ta mới chủ động được trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” - đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu điện được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu ra đó là: Khẩn trương đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, nối lưới để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.

Tính đến 17h30 ngày 31.5.2023, có 7 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 430,22 MW đã chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Ngoài ra, có 40 dự án chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và hiện nay đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để có thể phát điện lên lưới.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 26/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 1.346 MW chưa gửi hồ sơ đến EVN để đàm phán giá điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn