MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Vành đai 4 đang được Hà Nội tích cực triển khai để đưa vào khai thác năm 2027 (trong ảnh là đoạn qua xã Song Phương, huyện Hoài Đức). Ảnh: Phạm Đông

Đầu tư trên 55.000 tỉ đồng xây dựng Dự án thành phần 3-Vành đai 4

PHẠM ĐÔNG LDO | 26/09/2023 15:54

Theo UBND TP Hà Nội, trong giai đoạn thi công dự án thành phần Vành đai 4 sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Còn khi đưa dự án vào khai thác, các cụm công nghiệp sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư.

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo bổ sung gửi HĐND thành phố ý kiến tác động thực hiện dự án thành phần 3 - cao tốc trên cao thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Với dự án thành phần 3 về đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư, theo UBND thành phố, dự án có tổng mức đầu tư 55.052 tỉ đồng.

UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian dự kiến đưa vào khai thác dự án Vành đai 4 năm 2027, mức thu phí cơ sở là 1.900 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm/1 lần.

Mô hình dự án đường Vành đai 4 qua địa bàn huyện Mê Linh. Ảnh: UBND huyện Mê Linh

Theo tìm hiểu của Lao Động ngày 26.9, UBND TP Hà Nội đã có đánh giá tác động của việc thu phí, các vấn đề về ảnh hưởng tới giao thông đi lại của cộng đồng dân cư trong phạm vi dự án.

Cụ thể, theo thành phố, trong giai đoạn thi công sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ tăng lên làm tăng trưởng kinh tế địa phương, góp phần nâng cao đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng.

Ngoài ra, khi đưa dự án vào khai thác, các cụm công nghiệp sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, các vùng sản xuất nông nghiệp sẽ thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, thành phố cũng cho biết, việc di dời, tái định cư của các hộ dân sẽ tạo ra khó khăn trong việc tạo ra nơi ở mới, chuyển đổi nghề nghiệp, việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục.

UBND thành phố đánh giá, tuyến đường Vành đai 4 không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô.

Dự án cũng tăng khả năng kết nối, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Ngoài ra, đường Vành đai 4 còn có mục tiêu tạo điều kiện, tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực hai bên tuyến đường nói riêng và Vùng Thủ đô, tạo không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư.

Trong tổng thể dự án để thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, dân cư xây dựng hệ thống đường song hành đồng bộ với tuyến cao tốc Vành đai 4 nhằm bảo đảm giao thông khu vực đô thị.

Thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, các khu công nghiệp phù hợp với định hướng điều chỉnh quy hoạch Thành phố Hà Nội và dọc hai bên tuyến của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh; phù hợp với các đồ án quy hoạch các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đang được triển khai.

Dự án tạo không gian phát triển mới khai thác hiệu quả khoảng 6.500ha quỹ đất phía Tây đường Vành đai 4, địa phận Thành phố Hà Nội đang được điều chỉnh quy hoạch.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường song hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khu vực theo quy hoạch và định hướng phát triển, tạo không gian phát triển mới, thu hút các nhà đầu tư và tạo nguồn lực tái đầu tư.

Mặt khác, dự án cũng tiến hành giải phóng mặt bằng cho tuyến đường sắt vành đai đã được quy hoạch và hiện đang được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhằm tạo tiền đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông đường sắt quốc gia, cải thiện giao thông khu vực nội đô, phát triển cân bằng các phương thức vận tải theo định hướng phát triển và các quy hoạch ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Do vậy, việc sớm đầu tư hoàn thành tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và đất nước là rất cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn