MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dư địa tiết kiệm điện của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Ảnh: EVNNPC

Đẩy mạnh tiết kiệm điện khi cung ứng gặp nhiều thách thức

Anh Tuấn LDO | 24/05/2024 06:42

Bài học về cung ứng điện trong mùa hè năm 2023 vừa qua cho thấy, chưa bao giờ vấn đề sử dụng điện tiết kiệm lại được đặt ra cấp thiết, cấp bách như hiện nay. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, trước khi nghĩ đến việc điều chỉnh tăng giá điện cần phải tuyên truyền đẩy mạnh tiết kiệm điện hiệu quả.

Dư địa tiết kiệm điện vẫn còn rất lớn

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết, trong 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỉ kWh, tăng 12,4% so với 2023, trong khi cả năm 2023, điện thương phẩm toàn quốc tăng 4,26%. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2024, điện thương phẩm tăng gấp 3 lần so với 2023 và đây là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.

Theo ông Võ Quang Lâm, để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi.

Do đó, ông Lâm cho rằng, đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới, khi cung ứng điện đang gặp nhiều thách thức.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho hay, để sử dụng điện hiệu quả, yếu tố đầu tiên là sản lượng phải đủ. Vừa qua, EVN đã rất cố gắng để đảm bảo cung ứng. Nhưng nếu nhìn vào chỉ số tiêu tốn năng lượng của nước ta so với các nước khác thì không phải vì thế mà chúng ta mới cần tiết kiệm.

"Nếu nhìn vào số liệu so sánh để làm ra 1.000 USD so với các nước thì thấy tiết kiệm điện vẫn còn dư địa kinh khủng như thế nào", ông Thiên nói và cho rằng, trong những năm tiếp theo, Chính phủ phải chủ động có các giải pháp công tác giáo dục công dân cần nâng cao nhận thức, coi điện là tài nguyên quý giá, để làm sao ý thức tiết kiệm điện như nét văn hóa tự trọng của mỗi người.

Cần có biện pháp điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm

Giá điện hiện nay đang được trợ giá do chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác, nên việc cải cách giá điện để bám sát theo cơ chế thị trường, tránh tình trạng EVN báo lỗ, trong khi người dùng điện thì lãng phí. Vì vậy, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết, cần phải có biện pháp điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm một cách thực chất, hiệu quả.

TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần tạo ra văn hóa tiêu dùng điện tiết kiệm thành phong trào và phải tự giác, gắn với lợi ích người sử dụng, đồng thời có chế tài mạnh và sớm thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, mang tính cạnh tranh, gắn với giá điện hai thành phần.

Theo ông Võ Quang Lâm, EVN đã có nhiều giải pháp như tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp này chưa đủ nên EVN đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tiết kiệm điện được thực hiện một cách sinh động, hiệu quả hơn, tạo sự tương tác giữa các đơn vị cung cấp điện, người sử dụng điện. Trong đó gồm hiện đại hóa hệ thống đo đếm, vận hành hệ thống điện như 92% công tơ điện tử, điều chỉnh hành vi sử dụng điện, chuyển đổi số.

Thay đổi phụ tải vào giờ cao điểm để tiết kiệm điện

Trong bối cảnh nguồn cung ứng điện gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải điện tránh các giờ cao điểm sử dụng điện.

Anh Nguyễn Xuân Đáp - kỹ thuật viên vận hành, Công ty Một thành viên Vina Paper, Bắc Ninh - cho biết: “Chúng tôi sẽ dừng giờ cao điểm là từ 9h30 - 11h30 và buổi chiều sẽ dừng từ 17h - 20h. Ngoài khung giờ cao điểm, chúng tôi sẽ đẩy công suất lên tối đa”.

Bên cạnh việc chạy máy vào khung giờ thấp điểm, doanh nghiệp cũng áp dụng nhiều biện pháp như thay biến tần, áp dụng công nghệ và giải pháp mới.

Ông Lê Vĩnh Cường - Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Nhựa Hoàng Hà - cho hay: “Chúng tôi đã quán triệt cán bộ công nhân viên thực hành tiết kiệm điện, như đặt điều hòa nhiệt độ ở mức trên 27 độ, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, tiết giảm công suất chiếu sáng - bảo vệ, thay thế các thiết bị cũ bằng thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn