MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn, đào tạo nghề chăn nuôi cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Bảo Trung

Dạy nghề cho người dân vùng sâu làm giàu trên quê hương mình

BẢO TRUNG LDO | 13/09/2024 16:17

Đắk Lắk - Các ngành chức năng huyện M'Đrắk đã và đang tập trung đào tạo nghề để giúp người lao động làm giàu trên chính quê hương của mình.

Mở nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn

Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện M’Đrắk, trong 9 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã triển khai sâu rộng Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Trong đó, Trung tâm đã mở 6 lớp đào tạo nghề cho gần 130 học viên trên địa bàn huyện, tập trung ở những xã khó khăn, người lao động chưa có việc làm ổn định.

Những ngành nghề được đào tạo bao gồm chăn nuôi trâu, bò; chăn nuôi gà; sữa chữa máy nông nghiệp; xây dựng dân dụng; may dân dụng...

Người dân huyện M'Đrắk trong một lớp học đào tạo nghề chăn nuôi trâu bò. Ảnh: Bảo Trung

Chị Trần Thị Thương ở huyện M'Đrắk cho biết: "Sau khi học xong lớp chăn nuôi bò ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, tôi đã tích lũ được nhiều kiến thức rất hữu ích. Tôi đang dự tính vay vốn để mua bò giống, phát triển chăn nuôi kinh tế hộ gia đình, từng bước vươn lên trong cuộc sống".

Tương tự, anh Trần Trọng Lê, ở huyện M'Đrắk cũng vừa tốt nghiệp lớp chăn nuôi bò ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Với những kiến thức được học, anh Lê đã mạnh dạn tìm hiểu nhu cầu thị trường để tập trung chăn nuôi bò với số lượng lớn.

Trước mắt, anh Lê sẽ vay vốn chăn nuôi với số lượng vừa phải để tích lũy thêm kinh nghiệm, rút ra bài học rồi mới tính tiếp cho chặng đường dài.

Giúp nông dân làm giàu

Ông Trịnh Công Tiến - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện M’Đrắk cho rằng đơn vị vẫn còn đó những khó khăn, thử thách trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề trên địa bàn.

Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm 2024, đơn vị sẽ tập trung đi sâu vào việc đào tạo nghề nông nghiệp, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn.

Từ đó, hướng đến việc xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hiện nay.

Theo ông Tiến, song song với đó, Trung tâm cũng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Mục tiêu của công tác dạy nghề là góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con.

Người dân được trang bị nhiều kỹ năng về chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Bảo Trung

Theo ông Tiến, thực tế, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động. Hoạt động này nằm trong bộ tiêu chí nông thôn mới, an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục tiêu năm 2024 của Trung tâm là đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

"Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với việc chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu" - ông Tiến cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn