MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trung tâm dạy nghề được xây dựng tốn hàng tỉ đồng, hiện bỏ hoang. Ảnh: Nguyễn Viên

Dạy nghề nông thôn, miền núi - luẩn quẩn chuyện “con gà và quả trứng”

Nguyễn Trung Hiếu LDO | 22/01/2024 10:00

Mỗi huyện miền núi ở Quảng Ngãi được Nhà nước hỗ trợ hàng chục tỉ đồng mở lớp đào tạo nghề cho lao động, nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, tin đáng buồn được biết, nhiều địa phương xin trả lại tiền vì không tìm được học viên tham gia học nghề. Tổng vốn được giao năm 2023 gần 130 tỉ đồng. Kết quả giải ngân đến tháng 10.2023 chỉ thực hiện được 49 tỉ đồng.

Nhìn nhận những hạn chế trong quá trình thực hiện dự án, ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho rằng, việc huy động lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người có thu nhập thấp tham gia học nghề gặp nhiều khó khăn, bởi bản thân người lao động không muốn tham gia học nghề.

Không riêng gì Quảng Ngãi, nhiều năm qua, ngân sách Trung ương rất quan tâm cho việc đào tạo nghề nghiệp, góp phần cải thiện đời sống của người dân nông thôn và đồng bào các dân tộc ở các địa phương. Thế nhưng thông tin chung cho biết, kết quả thu được nhiều địa phương không như ý muốn.

Một phần lớn thanh niên nông thôn và khu vực đồng bào các dân tộc sau khi được đào tạo nghề đều không sử dụng nghề đó vào công việc hiện làm tại các đơn vị, xí nghiệp sản xuất hoặc trở về với điểm xuất phát là thợ đụng (đụng đâu làm đó). Hoặc giả vào được các nhà máy xí nghiệp thì doanh nghiệp cũng than trời về tay nghề, tính kỷ luật công nghiệp...

Ở các xí nghiệp có tính chuyên ngành cao như đóng tàu, lọc dầu, phục vụ du lịch... đều phải đào tạo mới hoặc huấn luyện lại. Đáng chú ý ở khu vực người lao động thuộc đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần không tìm được việc làm tại chỗ vì thiếu cơ sở sản xuất. Một bộ phận khác được đào tạo để phục vụ cho nghề thủ công mỹ nghệ quen thuộc ở địa phương như đan lát thổ cẩm, lâm nghiệp, nông nghiệp cũng không phát huy được để thay đổi đời sống kinh tế.

Ví dụ tại một xã, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, hàng loạt thanh niên được dạy nghề, đầu tư thiết bị để đan lát thổ cẩm, phục vụ dịch vụ du lịch. Một thời gian sau đó các cơ sở sản xuất này bế tắc, đóng cửa. Lao động lại trở về với nương rẫy, vì sản phẩm không có đầu ra. Lý do, tại đây cũng không có cơ sở dịch vụ du lịch nào để du khách đến thăm và mua những sản phẩm này. Nhiều nơi lao động học nghề lâm nghiệp, nông nghiệp ra chỉ có con đường làm... cán bộ khuyến lâm, khuyến nông cho thôn bản, chứ tìm đâu ra cây, con giống, đất đai... để áp dụng những kiến thức học ở trường.

Công việc dạy nghề cho các đối tượng lao động của nông thôn, miền núi đang luẩn quẩn như chuyện “con gà và quả trứng”, thực thể nào có trước.

Thực trạng vấn đề trên đang đặt ra một yêu cầu bức thiết, đó là phải có một sự điều phối chung mối tương quan giữa dạy nghề và quy hoạch phát triển kinh tế từng vùng. Có vậy thì “núi” tiền của ngân sách đổ vào đây mới có hiệu quả như mong muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn