MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dạy quay cóp, tiêu huỷ bài kiểm tra điểm kém và những trò lố trên TikTok

KHÁNH AN LDO | 11/04/2023 14:16
Tràn lan trên TikTok là những video dạy cách gian lận thi cử, tiêu huỷ bài kiểm tra điểm kém,... Hầu hết những nội dung này đều thu về hàng triệu lượt xem.

Clip "lố" hàng triệu lượt xem

Bên cạnh những clip có nội dung về “cách tập trung học hiệu quả”, “cách học từ vựng tiếng Anh”, “cách đánh bay nỗi sợ tiếng Anh”... thì trên TikTok tồn tại không ít những clip dạy cách gian lận thi cử, cách tiêu huỷ bài kiểm tra điểm kém để không bị bố mẹ phát hiện.

Trong khi những clip mang tính xây dựng, tích cực chỉ thu về từ vài nghìn đến vài chục nghìn lượt xem, thì những clip lố lại có hàng triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận hưởng ứng. 

Những clip dạy gian lận thi cử trên TikTok thu về hàng triệu lượt xem và hàng nghìn tài khoản thả tim. Ảnh chụp màn hình 

Một TikToker đăng bài với dòng miêu tả: “Bạn nào sắp thi thì phải xem ngay”. Trong clip người này hướng dẫn mẹo hack đáp án khi làm bài kiểm tra qua Google Form. 

Người này cho biết, khi thầy cô gửi bài kiểm tra qua Google Form, học sinh chỉ cần đổi phần cuối của đường link từ “viewform” thành “viewanalytics”. Ngay sau đó, toàn bộ đáp án trong đề thi trắc nghiệm trên Google Form sẽ hiện ra.

Một TikToker khác thì dạy học sinh cách sửa code để lấy đáp án khi thầy cô giao bài tập trên Azota. Theo lời người này, học sinh chỉ cần làm theo các bước là có thể hack được đáp án trên Azota, thậm chí hack được cả sự giám sát của giáo viên trên ứng dụng trực tuyến này. 

Clip này có tới 2,8 triệu lượt xem với hơn 4.000 lượt bình luận. Trong đó, có nhiều tài khoản đề nghị chủ kênh làm thêm nhiều các clip hướng dẫn lấy đáp án trên Vnedu, OLM...

Hay với clip về cách gian lận trong kỳ thi, một TikToker chỉ ra 7 cách mà học sinh có thể áp dụng để đạt điểm cao mà không cần học.

“Các bạn có thể ghi phao lên mẩu giấy, ghi phao lên tay, ghi phao lên bàn, ghi phao lên tẩy, giấu phao trong cổ tay áo, giấu phao dưới giày hoặc ghi phao lên khẩu trang” - người này cho biết.

Sau khi click vào xem video này, người dùng được đề xuất ra một loạt video khác có chủ đề tương tự. Video nhiều lượt xem nhất trong loạt video này là “mẹo lật phao dễ dàng mà không bị phát hiện” với 2,4 triệu lượt xem.

Thậm chí, có TikToker đã dạy học sinh thủ tiêu bài kiểm tra bị điểm kém bằng 3 cách. Trong đó, có cách "thủ tiêu bằng đường dạ dày", tức là học sinh nuốt tờ giấy kiểm tra.

Clip dạy học sinh thủ tiêu bài kiểm tra điểm kém. Ảnh chụp màn hình

Hoàng Ngọc Khánh (học sinh lớp 11, Trường THPT Đa Phúc) cho biết từng nhiều lần bắt gặp những video dạy gian lận thi cử khi lướt TikTok. Ngoài ra, bạn bè của em cũng thường gửi những video này vào nhóm chat để cùng xem. 

“Em nghĩ rằng nếu bọn em xem được những video này thì rất có thể các thầy cô cũng đã xem được. Vậy nên em chỉ xem video cho biết chứ không áp dụng vào các bài kiểm tra của mình” - Ngọc Khánh nói. 

Trong khi đó, Nguyễn Châu Anh (sinh viên năm nhất Đại học Kinh tế Quốc dân) cảm thấy phiền khi gặp những clip có nội dung như vậy. Châu Anh cho biết em sử dụng TikTok với mục đích giải trí, giảm stress sau những giờ học căng thẳng.

Thế nhưng, những clip có nội dung xấu độc như vậy vô tình khiến em cảm thấy stress hơn. 

“Những clip này vừa không mang lại những thông tin bổ ích, vừa làm tốn thời gian của người xem” – Châu Anh cho biết. 

Ranh giới giữa thử và thật rất mỏng manh

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - hiện nay trên TikTok tràn lan các video phản cảm với những nội dung xấu độc, ảnh hưởng lớn đến các thế hệ học sinh. 

"Trước đó là những video với nội dung sai lệch về các ngành không nên học, còn bây giờ thì tràn lan các video dạy gian lận thi cử, dạy hack bài kiểm tra. 

Các học sinh sau khi xem những video có thể vì tò mò mà thử thực hiện. Thế nhưng, ranh giới giữa thử và thật rất mỏng manh, các em có thể làm theo trong các bài kiểm tra chính thức trên lớp" - TS Lâm nói.

Theo TS Lâm, giáo viên, nhà trường cần tuyên truyền hàng tuần đến học sinh về các mặt trái của mạng xã hội. Ngoài ra, chính phụ huynh cũng cần có sự giám sát con em mình trong việc dùng mạng xã hội. 

"Thêm vào đó, cần kiến nghị đến Bộ Thông tin và Truyền thông truyền thông để cứng rắn hơn trong việc quản lý các mạng xã hội, đặt biệt là TikTok" - TS Lâm cho biết. 

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok. Việc kiểm tra dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 5.2023. 

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TTTT - cho biết, sẽ xử lý nghiêm đối với những trường hợp không tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ông Do, TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. 

Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn