MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biến đổi khí hậu đã khiến xảy ra nhiều loại hình thiên tai, trong đó, hạn hán và xâm nhập mặn đã xảy ra khốc liệt tại đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: Tổng cục Phòng, Chống thiên tai.

ĐBQH: Cần điều chỉnh nhiều điều khoản của Luật Phòng, Chống thiên tai

Vũ Long-Bích Hà LDO | 28/05/2020 20:46

Chiều 28.5, Quốc hội đã dành phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Bổ sung một số loại hình thiên tai vào Luật

Theo đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai, thời tiết ở Việt Nam diễn biến khó lường, xuất hiện mới nhiều loại hình thiên tai, gia tăng về quy mô, tần suất, cực đoan và nguy cơ thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn.

Có một số loại hình thiên tai chưa được quy định trong luật hiện hành đã gây khó khăn trong công tác phòng, chống ở một số địa phương trong thời gian qua.

“Tôi thống nhất với Ban soạn thảo về việc sửa đổi, bổ sung hiện tượng tự nhiên bất thường như là cháy rừng do tự nhiên và sương mù để giải thích từ “thiên tai” cho đầy đủ và phù hợp với tình hình thiên tai của nước ta trong thời gian qua” – đại biểu Trương Thị Yến Linh nói.

Ngoài ra, việc quy định sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy chưa đầy đủ. Bởi, trong mùa khô năm 2015-2016 hiện tượng sạt lở, sụt lún đất diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng tại các vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau và hiện tượng này còn diễn biến phức tạp hơn trong mùa khô năm 2019-2020.

“Hiện tại, trên toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 1.160 vị trí bị sạt lở, sụt lún đất và những vị trí này hầu như là sụt lún tan nát và gây chia cắt các vùng, ảnh hưởng đến giao thông đi lại cũng như ảnh hưởng phát triển kinh tế-xã hội, đe dọa đến tính mạng những người dân sinh sống nơi đây”- bà Linh phân tích.

Đồng bộ hóa nội dung Luật và Nghị định   

Theo đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về phương án ứng phó thiên tai đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Diểm sạt lở trên rạch Ông Chưởng (huyện Chợ Mới, trinh An Giang. Ảnh: Lục Tùng

Tại Nghị định số 114 ngày 4.9.2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước có quy định: “Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ thủy lợi có trách nhiệm lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng năm phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp”.

Nếu theo quy định Điều 22 Luật Phòng, chống thiên tai thì phương án ứng phó thiên tai có rất nhiều nội dung cần có sự phối hợp giữa chủ đập và chính quyền địa phương các cấp như sơ tán, ứng cứu, bảo đảm an ninh trật tự và tư phương tiện, v.v.. 

"Nếu để chủ đập tự lập và phê duyệt thì không khả thi. Đề nghị nghiên cứu lại để đồng bộ hóa các nội dung giữa Nghị định 114 và Luật Phòng, chống thiên tai" - ông Gia nêu ý kiến...

 Phòng, chống thiên tai trong nhiều trường hợp cụ thể đã vượt ra ngoài biên giới, lãnh thổ của quốc gia hoặc trong những trường hợp do thảm họa về thiên tai, cần có sự giúp sức, hỗ trợ, hợp tác quốc tế. Phòng, chống thiên tai đã và đang là vấn đề mang tính toàn cầu.

Trong thực tế, chúng ta đã tham gia các hiệp định quốc tế và đang làm tốt việc hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai. Và Việt Nam cũng thể hiện là thành viên có trách nhiệm trong các hoạt động phối hợp, hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai. Đề nghị bổ sung thêm nhóm về nguồn lực của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn