MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBQH tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý phát biểu ý kiến tại Quốc hội liên quan đến lao động, việc làm. Ảnh: TTXVN

ĐBQH đề nghị hoãn thực hiện chính sách lương hưu mới

X.Q - Đ.T -X.H LDO | 02/11/2017 08:09
Phiên thảo luận tình hình KTXH, dự toán ngân sách nhà nước tại hội trường Quốc hội ngày 1.11, các đại biểu tranh luận sôi nổi về vấn đề lao động, việc làm. Nhiều ĐBQH đề nghị hoãn thực hiện chính sách lương hưu mới từ 1.1.2018.

Hiện tượng sa thải lao động có thâm niên đã có từ nhiều năm trước

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho biết, bà đồng ý với ý kiến của đại biểu Ngọ Duy Hiểu về tình hình lao động việc làm mà đại biểu Ngọ Duy Hiểu trình bày tại phiên thảo luận ngày 31.10. Thực tế từ Đồng Nai, đại biểu Như Ý cho biết: “Bên cạnh lý do thay đổi công nghệ máy móc cơ cấu lại lực lượng lao động thì người sử dụng lao động cũng đã không muốn sử dụng lao động lớn tuổi làm việc nhiều năm vì họ phải trả lương cao, đóng bảo hiểm nhiều, có thể do mắt mờ, tay yếu nên năng suất lao động cũng kém hơn người trẻ.

Việc chấm dứt hợp đồng lao động có thâm niên công tác từ 10-15 năm là rất đáng lo ngại. Nghiên cứu của Viện Công nhân - Công đoàn của Tổng LĐLĐVN thì qua khảo sát tại 64 doanh nghiệp của 6 tỉnh thành Bắc, Trung, Nam với 500 phiếu được khảo sát trên mẫu thì cũng cho kết quả như vậy. Mặc dù chưa làm phát sinh tranh chấp lao động nhưng về lâu dài thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội do lao động này đã lớn tuổi nên khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mới tại các doanh nghiệp.

ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) lý giải việc người sử dụng lao động sa thải người lao động là một hiện tượng đã lâu, nhưng vài năm gần đây mới rộ lên, đại biểu Bùi Xuân Thống cho rằng: “Người lao động được ký hợp đồng từ 1-3 năm, sau khi hết hợp đồng lại ký lại 3 năm tiếp là 6 năm thì theo quy định của pháp luật là không sai. Nhưng hết 6 năm doanh nghiệp sẽ dừng không ký tiếp, vì nếu ký tiếp thì sẽ phải là không xác định thời hạn. Bởi như đại biểu Như Ý phản ánh, với người có thâm niên cao thì lương, bảo hiểm và các chế độ khác cũng cao.

Từ đó đại biểu Thống cảnh báo nếu “không có chính sách về vấn đề này rõ ràng thì sẽ rất phức tạp và hậu quả sẽ là gánh nặng, bởi vì khi thất nghiệp là quỹ bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta, việc người lao động nghỉ sẽ rút bảo hiểm xã hội và khi tham gia việc làm lại, người ta sẽ đăng ký việc làm lại.

Vấn đề nữa là sau độ tuổi 35, 40 và đối với nữ thì phải nói hết sức khó tìm việc. Như vậy ảnh hưởng tới vấn đề đào tạo, đào tạo lại của chúng ta và nhất là khi chúng ta xem vào dự ước kết quả thực hiện năm 2017 thì trong tỉ lệ lao động của chúng ta, nếu được đào tạo từ 3 tháng trở lên thì chỉ mới khoảng 22%. Như vậy, chúng ta thấy đây là một gánh nặng hậu quả về mặt xã hội rất lớn. Tôi đề nghị phải quan tâm vấn đề này.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị tính công thức lương hưu như cũ. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đề nghị hoãn thực hiện chính sách lương hưu mới

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý nêu ý kiến: “Tôi đề nghị từ kỳ họp này thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho lùi thời gian thực hiện quy định này lại để đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhất là lao động nữ gắn với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội khi chúng ta thực hiện đề án cải cách tiền lương bảo hiểm xã hội dự kiến đưa ra Trung ương bàn và thông qua trong 
năm 2018”.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) tranh luận về vấn đề này và nêu lý do “tại sao chúng ta hạ tỉ lệ được hưởng lương hưu của phụ nữ từ 3% xuống 2% từ 1.1.2018? Theo luật năm 2006, sau năm 2016 trở đi thì nam là 2%, nữ thì được ưu tiên là 3%. Đến luật năm 2014 chúng ta muốn bình đẳng giới thì quy định nam và nữ đều là 2%. Vì lẽ đó nên từ 1.1.2018 nếu phụ nữ về hưu thì bị giảm trừ”. Theo đại biểu Lợi, đến năm 2016 số lao động nữ có số năm đóng bảo hiểm xã hội bình quân 28,8 năm và nghỉ hưu ở độ tuổi 54,1, tức là cận kề với tuổi 55. Nhưng nam thì đóng bảo hiểm xã hội bình quân được 32 năm và nghỉ hưu ở tuổi 57. Nếu bình quân đó thì phụ nữ giảm từ 3% xuống 2% thì giảm sút mất 4% tiền lương nên chúng tôi thấy tác động là không lớn. Đến ngày 1.1.2018 chúng ta có khoảng 50.000 phụ nữ sẽ dự kiến về hưu, trong đó có 21.000 phụ nữ có từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đến dưới 30 năm, số người chịu tác động lớn nhất từ 5-10% là có 4.000 người. Nếu chúng ta kéo dài lộ trình cho phụ nữ thêm 5 năm để hưởng đúng theo 3%, không phải là 2% trước đây thì tác động đến quỹ bảo hiểm xã hội không lớn.

Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ chúng ta cho kéo dài thêm mấy năm tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ phải thiệt thòi so với nam giới. Chúng tôi nghĩ tác động không lớn, đề nghị Quốc hội ủng hộ, Thường vụ Quốc hội có ý kiến để chúng ta cho tính công thức lương hưu như cũ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn