MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ĐBSCL đang rất cần nguồn nhân lực để phát triển nhanh và bền vững

PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang LDO | 21/04/2022 07:42

Nhân lực là điều mà ĐBSCL rất cần để phát huy tiềm năng, lợi thế, đi tắt đón đầu trong bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm phát triển nhanh và bền vững.

Nhân lực ở đây được hiểu là: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, thu hút nhân lực từ bên ngoài để tăng nội lực và tạo điều kiện cần thiết để nhân lực phát huy sở trường, sở đoản trong nghiên cứu, ứng dụng, lao động, sản xuất.

Đây là điều mà ĐBSCL rất cần để phát huy tiềm năng, lợi thế, đi tắt đón đầu trong bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu toàn cầu.

PGS. TS Võ Văn Thắng. Ảnh: LT

Tuy đã có những cải thiện tích cực, nhưng nếu nhìn một cách toàn diện thì nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển tại vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Đây sẽ là trở lực cho bước tạo đà tăng tốc và cất cánh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Như chúng ta đều biết, lợi thế của ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản. Thế nhưng nông sản ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung thường xuyên bấp bênh đầu ra và ngày càng đối mặt với nhiều bất lợi về chăm sóc, năng suất...

Trường ĐH An Giang - nơi đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Ảnh: LT

Nguyên nhân sâu xa là bên cạnh những ảnh hưởng từ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, còn do thiếu con người đáp ứng nhu cầu tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng đang ngày càng đòi hỏi cao về nông sản cả về chất lượng, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Thậm chí, còn đặt ra những yêu cầu về dược tính khi lựa chọn những sản phẩm cùng loại. Hơn thế nữa, các thị trường còn có nhu cầu khác nhau về thời gian trong năm.

Điều này cho thấy, khi và chỉ khi có nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia trong suốt quá trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch... mới có thể đáp ứng được.

PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang. Ảnh: LT

Trước hết, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần có cơ sở đào tạo chất lượng cao.  Cụ thể, trước hết cần có cơ chế tự chủ đúng với khái niệm này.

Lâu nay vẫn có không ít hiểu nhầm khái niệm “tự chủ” như một cách để cho các cơ sở đào tạo “tự bơi”. Thực tiễn giao lưu với một số cơ sở đào tạo, trường đại học tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, tự chủ là khái niệm mở, ở đó các trường tự trang trải một số chi phí thường xuyên,... Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đầu tư các trang thiết bị, công nghệ, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời đại 4.0.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới chính sách thu hút nhân tài để mời gọi những nhân tố tích cực, chuyên gia đầu ngành tự nguyện đến đây tư vấn, tổ chức nghiên cứu, tổ chức ứng dụng công nghệ cao vào các quy trình chăn nuôi, trồng trọt... để làm mạnh thêm nội lực.  

PGS.TS Võ Văn Thắng trong ngày phát bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh: LT

Quan trọng thứ 2 là phải sử dụng hợp lý và khoa học nguồn nhân lực sau đào tạo, thu hút, mời gọi. Trước hết cần xóa bỏ tâm lý tìm việc theo kiểu cũ. Nghĩa là sau khi được đào tạo xong phải tìm mọi cách để được vào công tác tại cơ quan, đơn vị công lập, bất chấp công việc và chuyên môn đào tạo có liên quan hay phát huy được hay không. Điều này không chỉ dễ tạo ra áp lực xã hội và những nguy cơ tiêu cực do biên chế này có hạn, mà còn làm thui chột khả năng phát huy tiềm năng của nguồn nhân lực đối với nhu cầu phát triển của thực tiễn.

Để giải quyết bài toán này, bên cạnh sự thay đổi nhận thức của gia đình và xã hội, Nhà nước trung ương và địa phương nên có chính sách mở rộng đầu tư hạ tầng cơ sở như điện, đường... và có thảm đỏ thật sự để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tìm đến đầu tư và gắn bó lâu dài với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao... Khi đó, vừa thu hút nhân lực, vừa tạo việc làm ổn định cho người có năng lực thật sự... Qua đó không chỉ tác động tích cực, đánh thức tiềm năng lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, thế mạnh của vùng ĐBSCL, mà còn tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thời hội nhập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn