MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở Đồng Tháp. Ảnh: Tr.L

ĐBSCL: Đứng ngồi không yên vì nỗi lo sạt lở mùa mưa lũ

TRẦN LƯU LDO | 16/08/2017 15:18
Những ngày qua, nước lũ đang lên nhanh tại các tỉnh thượng nguồn ĐBSCL, kèm theo đó là nỗi lo của người dân sống trong vùng sạt lở ven sông.

Thông tin nước lũ đổ về và lên nhanh đang khiến ngành chức năng và người dân các tỉnh ĐBSCL đứng ngồi không yên.

Năm nay, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương đã xảy ra 13 vụ sạt lở.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, địa phương cần di dời khẩn cấp 2.444 hộ đến nơi an toàn.

Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 656 tỉ đồng. Số tiền này được dùng để xử lý đồng bộ đoạn sạt lở ở xã Bình Thành, huyện Thanh Bình và di dời 12 cụm - tuyến dân cư trong tỉnh đến nơi an toàn. Thống kê cho thấy, tỉnh Đồng Tháp hiện có 7 huyện, thị xã, thành phố nằm trong khu vực nguy hiểm với hơn 4.000 hộ dân cần phải di dời.

Một số khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở Đồng Tháp. Ảnh: Tr.L

Hiện tại, ngoài di dời người dân đến nơi ở an toàn, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai nhiều giải pháp hạn chế sạt lở trên địa bàn như: Xây dựng các công trình chống sạt lở; tổ chức theo dõi, cắm biển báo khu vực đang bị sạt lở; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để người dân chủ động phòng tránh... Tất cả nhằm làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi có sạt lở xảy ra.

Còn tại An Giang, toàn tỉnh này có khoảng 51 đoạn sông cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài 165.150m. Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm. Dự báo tình hình sạt lở sẽ tăng vào mùa lũ, địa phương đang tập trung theo dõi đề phòng các diễn biến bất thường có thể dẫn đến sạt lở…

Trước đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn gửi công điện khẩn đến 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL chủ động ứng phó lũ sớm. Công điện nêu rõ, đây là đợt lũ sớm, xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và có thể còn diễn biến phức tạp.

Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do lũ gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên và ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, kịp thời xử lý những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái được đê bao, bờ bao bảo vệ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn