MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: K.Q

ĐBSCL: Hạn mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhưng thiệt hại thấp

Kỳ Quan LDO | 20/06/2020 16:51

Ngày 20.6, tại TP.Tân An, tỉnh Long An, Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Long An đã phối hợp tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020 và định hướng giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ NNPTNT, nguồn  nước mùa khô năm 2019 – 2020 về vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn nhiều so với những năm gần đây do nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt. Trong khi đó, mực nước thủy triều luôn ở mức cao hơn năm 2015 – 2016 và trung bình nhiều năm.

Sự cộng hưởng của 2 yếu tố trên đã là nguyên nhân làm xâm nhập mặn xuất hiện sớm vào các nhánh sông Cửu Long và duy trì ở mức rất cao. Đây là mùa khô bị xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử ghi nhận được ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các cống đập ngăn mặn đã giúp giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: K.Q
Lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn trúng mùa trong điều kiện thiên nhiên bất lợi. Ảnh: K.Q
Cây sầu riêng bị chết do hạn mặn mùa khô 2019 - 2020. Ảnh: K.Q

Tuy nhiên, nhờ dự báo chính xác, sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, sự phối hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương, mức độ thiệt hại của hạn mặn mùa khô năm 2019 – 2020 đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh vùng vùng Đồng bằng sông Cửu Long được giảm thiểu đáng kể, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

Tổng hợp sau kỳ hạn mặn năm nay, có hơn 66 ngàn ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, trong đó hơn một nửa thiệt hại trên 70%, thấp hơn rất nhiều so với thiệt hại mùa khô 2015 – 2016. Những địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp thiệt hại lớn là Trà Vinh (gần 22 ngàn ha), Cà Mau (hơn 19 ngàn ha), Tiền Giang (trên 11 ngàn ha), Long An (trên 5 ngàn ha),…

Từ những bài học rút ra trong đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019 – 2020, hội nghị đã đề ra nhiều giải pháp ngắn và dài hạn để nông nghiệp vùng vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trong điều kiện hạn mặn ngày càng gay gắt, tập trung vào các lĩnh vực thủy lợi, lựa chọn giống cây trồng, thủy sản phù hợp, trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, hoạt động liên kết vùng,…

Theo Bộ NNPTNT, các quy hoạch vùng sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long đã không còn phù hợp với tình hình xâm nhập mặn và đang được Bộ NNPTNT nghiên cứu điều chỉnh cho hợp lý hơn, như sẽ chuyển đổi sản xuất theo hướng thủy sản – trái cây – lúa gạo thay cho quy hoạch theo hướng ưu tiên là lúa gạo. Bộ NNPTNT sẽ định hướng xây dựng kế hoạch trên theo 3 nhóm giải pháp gồm ngăn mặn, cấp nước ngọt; trữ ngọt và chống sạt lở bờ sông, bờ biển. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn