MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ĐBSCL khi lũ không còn: Dân vùng lũ tha hương mưu sinh

LỤC TÙNG LDO | 21/09/2019 15:00

Dù được dự báo lũ từ thượng nguồn Mekong có thể sẽ về nhiều vào trung tuần tháng 9, nhưng sự xuất hiện muộn màn của mùa lũ 2019 không còn ý nghĩa của việc mang lại nguồn lợi như vốn có để giúp ngăn dòng người ở đồng đất này ly hương, tha phương kiếm sống...

Cạn dần đặc sản mùa lũ

“4 miệng dớn (dụng cụ bắt cá đặc thù ở miền Tây, dùng hệ thống lưới ven cá vào đú - rọ mà không thể chui trở ra được - PV) với gần 2.000m đăng, chỉ kiếm được mấy kilôgam cá và mớ ốc bươu. Gần 40 năm làm nghề, chưa thấy mùa lũ nào kỳ lạ như năm nay” - vừa xách rổ ốc ông Lê Văn No (xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang) ngao ngán nói về việc đánh bắt thủy sản mùa lũ. Theo lời ông No, năm nay cá tôm gần như đã cạn kiệt. “Hồi đó, cá tôm nhiều lắm, sau khi lũ tràn đồng, dân đánh bắt cá kéo về đông như hội, nhưng ai cũng có phần. Vậy mà bây giờ đến cá linh cũng khó kiếm để đủ ăn trong nhà...” - ông No buông lửng câu nói.

Ông Lê Văn No và mớ ốc thu được từ 4 miệng dớn. Ảnh: LỤC TÙNG
Ngược dòng thời gian trở về với ngày xưa chưa xa về câu chuyện cá linh - loài cá thân nhỏ, đặc hữu của mùa lũ sông Mekong, nhiều và rẻ đến mức đã đi vào thành ngữ “Rẻ như cá linh” - mà còn khắc họa lên một chỉ báo nguy hiểm khác. Theo ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - việc cá linh trở nên hiếm là rất đáng lo ngại vượt khỏi giới hạn của món ăn. Bởi loài cá này là chuỗi thức ăn trong hệ thủy sản mùa lũ sông Mekong. Nói cách khác, cá linh như thước đo thủy sản mùa lũ. Vắng cá linh cũng đồng nghĩa với việc các nguồn thủy sản khác cũng sụt giảm mạnh... Tôi nhìn ra cánh đồng Vĩnh Xương - Phú Lộc, nơi đón trực tiếp dòng lũ từ thượng nguồn Mekong đổ về, thay vào không khí tấp nập ngày xưa là không gian im ắng như tờ, ngoại trừ những đám cỏ phất phơ lá như trêu ngươi dòng lũ “hậm hực” dưới chân, mà thấu cảm được phần nào nạn cạn kiệt thủy sản mùa lũ ngay vùng đất từng được mệnh danh là “kho” thủy sản mùa lũ.

Bỏ quê mà đi vì thiếu lũ

Theo dự báo, do ảnh hưởng mưa bão, lũ thượng nguồn sông Mekong đang lên nhanh, nhiều khả năng vào trung tuần tháng 9 nước lũ vùng hạ nguồn sẽ tăng vọt. Thông tin này thôi thúc tôi trở lại Phú Lộc, xã đầu nguồn của Tân Châu (An Giang) với hy vọng gặp lại ông Nguyễn Văn Kỳ - một trong những người làm ăn lớn trong nghề đánh bắt cá mùa lũ với hàng chục người giúp việc. Nhưng ngôi nhà một thời đầy ắp tiếng nói, tiếng cười giờ đã im ỉm khóa. Hàng xóm cho biết, sau nhiều năm lũ thấp, cá về ít, thua lỗ nặng, sạt nghiệp, cả nhà ông Kỳ đi Bình Dương làm thuê, lâu lắm rồi chưa trở lại với nghề, và có lẽ mùa lũ năm nay cũng vậy. Bởi theo kinh nghiệm của người dân sông nước, năm nào nước lũ kém, thủy sản giảm. Thậm chí ngay cả khi lũ muộn về làm nước dâng cao, cũng không thể mang theo nhiều cá tôm. “Nếu lũ muộn có về thì cũng không còn nhiều ý nghĩa, vì đã trái với quy luật phát triển của nhiều loài thủy sản” - Th.S Nguyễn Phước Tuyên, nhà nghiên cứu độc lập ở Đồng Tháp, chia sẻ.

Đây không phải là lần đầu người dân vùng đầu nguồn sông Cửu Long đối mặt với nạn sụt giảm thủy sản tự nhiên do lũ thấp. Th.S Phạm Xuân Phú, giảng viên Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH An Giang) cho biết, qua nghiên cứu, trong 10 năm (2000 - 2010) lượng thủy sản đánh bắt tự nhiên trong mùa lũ giảm gần 50% do lũ ngày càng thấp. Điều này, không chỉ làm mất đi nguồn lợi thủy sản tự nhiên trị giá hơn 700 tỉ đồng/năm, mà còn dồn đẩy hơn 300.000 trong số 650.000 lao động nông thôn ở An Giang phải bỏ xứ đi làm thuê.

“Việc mất nguồn cá mùa lũ như giọt nước tràn ly sau khi nhiều loại nông sản liên tục mất giá” - ông Bùi Thái Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Tân Châu, chia sẻ. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 10 năm qua, chỉ riêng huyện Tân Châu có khoảng 30.000 người đi khỏi địa phương với nhiều lý do, trong đó phần lớn là đến các khu công nghiệp tập trung để làm thuê, mà trường hợp của ông Kỳ là điển hình. Tuy nhiên, điều khiến cho nhà chức trách địa phương lo lắng hơn chính là hệ lụy của cuộc di dân bất đắc dĩ này đã dẫn đến sự xáo trộn cấu trúc gia đình. Nông thôn bây giờ chủ yếu chỉ có cụ già và trẻ em vì cha mẹ bỏ xứ làm thuê. Thậm chí, việc ông bà thay cha mẹ chăm nuôi cháu còn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra xáo trộn lớn về giáo dục nhân cách.

Trong khi đó, những lao động xa quê cũng đang đối mặt với nguy cơ “mắc cạn” nơi xứ người. Theo ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - hiện lao động tại các khu công nghiệp tập trung đang đối mặt với nạn bị đào thải khắc nghiệt khi doanh nghiệp luôn tìm cách loại thải người sau tuổi 30 khi các kỹ năng cầm, nắm, nghe nhìn bắt đầu giảm. Không thể quay về quê tìm việc, lại khó chuyển đổi nghề với vốn và kiến thức có hạn, lao động dễ sa chân vào các tệ nạn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn