MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ĐBSCL khó cất cánh nếu không khẩn trương đồng bộ với quy hoạch vùng

Thành Nhân LDO | 19/02/2023 06:27
Những năm qua, Trung ương đã quan tâm đầu tư rất lớn cho hạ tầng giao thông cho ĐBSCL. Các tuyến cao tốc và những cây cầu lớn đang hình thành và kết nối đồng bộ với nhau. Tuy nhiên, sau gần 1 năm quy hoạch vùng ĐBSCL có hiệu lực, đến nay, vẫn chưa có địa phương nào ở ĐBSCL cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh để đồng bộ với quy hoạch tổng thể của toàn vùng.

Hoàn thiện bức tranh tổng thể cho ĐBSCL

Ngày 28.2.2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ban hành Quyết định số 287 về việc quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, quy hoạch vùng ĐBSCL với mục tiêu tổng thể là phát triển vùng này đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu;

Phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước quốc tế; chú trọng phát đang triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo khai xây dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn liền với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của dân tộc; bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ ở ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021. Ảnh: Thành Nhân

Trước đó, ngày 1.9.2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg về việc Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, tại khu vực ĐBSCL quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km.

Bên cạnh các tuyến cao tốc, hàng loạt công trình cầu bắc qua các con sông lớn cũng đã và đang hình thành. Khi các cây cầu trên và các tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang hoàn thành và đưa vào sử dụng được kỳ vọng sẽ kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông cho cả vùng, góp phần kết nối với TPHCM và khu vực Đông Nam bộ, vừa bổ sung, vừa tận dụng lợi thế của nhau để đưa ĐBSCL “cất cánh”.

Cần đồng bộ quy hoạch để phát triển

Liên quan đến 2 quy hoạch trên, trao đổi với Lao Động, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - nhà nghiên cứu kinh tế ĐBSCL - cho biết: ĐBSCL là vùng nông nghiệp, thủy sản lớn nhất nước, còn TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, kết hợp với vùng Đông Nam Bộ sẽ hình thành mối liên kết, vừa bổ sung, vừa tận dụng lợi thế của nhau. Trong đó, mối liên kết hạ tầng giao thông đường bộ giữ một vai trò hết sức quan trọng. Khi các tuyến cao tốc ở ĐBSCL hoàn thành sẽ mở ra một không gian phát triển mới, tạo động lực thu hút đầu tư cũng như phát huy thế mạnh liên vùng, góp phần mở đường giao lưu buôn bán thương mại với quốc tế thông qua 3 tuyến cao tốc trục ngang.

“Khi đã quy hoạch đầu tư mạng lưới đường bộ ở vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030 cần phải đảm bảo tiến độ để kết nối đồng bộ. Bên cạnh các tuyến cao tốc là trục xương sống, các địa phương cũng cần quy hoạch đồng bộ các công trình giao thông đấu nối vào sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn”, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp chia sẻ.

Những cây cầu đã và đang triển khai xây dựng, một số cây cầu đã đưa vào sử dụng. Ảnh: Thành Nhân

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cũng cho biết thêm: Sau gần 1 năm Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28.2.2022 về quy hoạch vùng ĐBSCL có hiệu lực, đến nay, chưa có tỉnh, thành nào ở ĐBSCL đã được phê duyệt quy hoạch của tỉnh dựa trên quy hoạch vùng. Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ và khẩn trương cụ thể hóa quy hoạch của mình dựa trên quy hoạch vùng để có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (trung hạn, hằng năm) phù hợp. Nếu quy hoạch chậm kéo theo việc triển khai cũng sẽ chậm.

“Khi chưa có quy hoạch của tỉnh dựa trên quy hoạch tổng thể vùng thì câu chuyện liên kết vùng hay liên vùng vẫn khó thành hiện thực. Cơ sở để liên kết là dựa vào quy hoạch, phát triển ngành, lĩnh vực gắn kết với lợi thế từng vùng bao gồm: Vùng sinh thái ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng, vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển và vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng. Nếu liên kết mà không xác định được lợi thế thì làm sao liên kết được!”, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn