MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lũ sớm tràn về, biến những cánh đồng lúa chưa có đê bao bảo vệ trở thành biển nước. Ảnh: Lục Tùng

ĐBSCL: Lũ về sớm

Lục Tùng LDO | 31/07/2018 19:07
Hiện mực nước sông Tiền ở Tân Châu và sông Hậu ở Châu Đốc (An Giang) đang cao hơn mực nước trung bình nhiều năm. Như vậy, cũng như năm 2017, năm nay ĐBSCL đón lũ trên sông Mê – kông về sớm (lũ tháng 8).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thủy văn, nguyên nhân chính của lũ sớm là do ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa liên tục vùng thượng nguồn kết hợp với chu kỳ triều cường tại chỗ. Việc vỡ đập thủy điện ở Lào ảnh hưởng không đáng kể.
Lũ sớm tràn về biến những cánh đồng lúa chưa có đê bao bảo vệ trở thành biển nước. Ảnh: Lục Tùng

Ở những nơi có đê bao bảo vệ, đồng đất đang chuẩn bị vào vụ sản xuất mới. Ảnh: Lục Tùng
Theo số liệu thực, mực nước lớn nhất ngày 30.7 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,99m, cao hơn 0,54m so với mực nước trung bình nhiều năm ( 2,45m).

Tương tự, mực nước trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,48m, cao hơn 0,46m so mực nước trung bình nhiều năm (2,02m).

Tuy nhiên, theo TS Tô Văn Trường – chuyên gia nghiên cứu độc lập về lĩnh vực môi trường nước, lũ mấy ngày qua lên cao ở ĐBSCL chủ yếu là do có bão, áp thấp nhiệt đới mưa liên tục ở Lào và Campuchia.

“Ở trạm Paskse, mực nước lên ngang lũ lịch sử. Tuy nhiên, theo số liệu của trạm tự động, 11 giờ trưa nay (31.7) tại Kratie đã đạt đỉnh của đợt lũ đầu vụ và có xu hương chững lại. Do đó, lượng nước về ĐBSCL sẽ không còn nhiều như trước nữa”- TS Trường nhận định.

Dự báo, ngày 3.8, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,2m và trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,65m.

TS Trường cũng khẳng định, tác động từ vụ vỡ đập ở Lào đối với việc dâng cao của mực nước là không quá lớn và nghiêm trọng như một số tin đồn.

“Quan trắc ảnh viễn thám trước và sau khi vỡ đập thủy điện ở Lào, tính diện tích mặt thoáng và cao trình đỉnh của đập phụ bị vỡ so sánh với dung tích thiết kế thì lượng nước đổ xuống hạ lưu đập không vượt quá 1 tỷ m3, chứ không phải 5 tỷ m3 như một số phương tiện truyền thông đã đưa tin. Ước tính bài toán thủy lực sơ bộ cho thấy, vỡ đập ở Lào làm dâng mực nước rất cao ở vùng hạ lưu đập và đến Stung Treng dâng cao hơn 70cm nhưng do chảy tràn và dọc dường dài 650km nên khi lượng nước này đổ về đến ĐBSCL chỉ làm dâng thêm 5cm ở các trạm Tân Châu và Châu Đốc nên không đáng kể và đúng như dự báo trước của các nhà khoa học thủy văn”- TS Trường nhấn mạnh.

Riêng với hiện tượng lúa, hoa màu bị thiệt hại như truyền thông đã phản ánh trong những ngày qua, thực chất là “cái chết được báo trước”. Cụ thể, phần lớn thuộc diện tích gieo trồng nằm ngoài đê bao bảo vệ lũ tháng 8. Do vậy, khi lũ về sớm hơn và cao hơn trung bình nhiều năm nên bị thiệt hại. Trong khi đó, tại các nơi có đê bao, bà con tận dụng lũ sớm để chủ động lấy phù sa, đánh bắt thủy sản và vệ sinh đồng ruộng.

Tuy nhiên, TS Trường cũng lưu ý: “Các địa phương cần tiếp tục theo dõi dự báo về các cơn bão sắp đến ở biển Đông, áp thấp nhiệt đới và dải hội tụ nhiệt đới nằm ngang ở khu vực miền Trung ảnh hưởng đến lượng mưa ở Lào và Campuchia là nguồn nước chủ yếu đổ về ĐBSCL trong những ngày tới để có các giải pháp ứng phó chủ động”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn