MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ĐBSCL: Nguy cơ cạn nguồn máu dự trữ

TRẦN LƯU - THÀNH NHÂN LDO | 09/04/2020 13:06

Ảnh hưởng của dịch COVID-19, đang tiếp tục khiến nguồn máu dự trữ ở ĐBSCL bị cạn kiệt. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ không còn máu để cấp cứu điều trị cho bệnh nhân...

Ngày 9.4, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc Bệnh viện Huyết học – Truyền Máu TP.Cần Thơ cho biết, kho máu dự trữ của bệnh viện đang cạn kiệt, chỉ có thể cung cấp từ 2 – 7 đơn vị máu để các bệnh viện điều trị cho các bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu.

Những năm trước, thời điểm tháng 3 và tháng 4, lúc nào cũng thừa máu dự trữ, do người dân, đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu rất đông; đặc biệt là vào "ngày toàn dân hiến máu tình nguyện" (7.4). Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, mỗi ngày bệnh viện chỉ tiếp nhận được vài chục đơn vị máu. Do người người hạn chế tập trung đông người, từ cuối tháng 3 đến nay, các ban vận động hiến máu cũng đã hủy hàng loạt lịch đi lấy máu ở cộng đồng đến ngày 15.4. 

Điều này đã khiến bệnh viện không có nguồn máu tiếp nhận để sàng lọc, cung cấp cho các bệnh viện các tỉnh. "Hiện tại kho đang cạn kiệt, chỉ có thể cung cấp từ 2 – 7 đơn vị máu để điều trị cho các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ không còn máu để cấp cứu điều trị cho bệnh nhân", bác sĩ Việt cho biết.

Một người tình nguyện tham gia hiến máu. Ảnh: Thành Nhân

Bác sĩ Việt cũng thông tin thêm, chiều nay (9.4), UBND TP.Cần Thơ triệu tập cuộc họp về vấn đề này và chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện vẫn tiếp tục vận động hiến máu để có lượng máu cứu bệnh nhân.

Hiện, Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ đảm nhận cung cấp máu cho 11/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL (trừ Long An và Kiên Giang) với hơn 70 bệnh viện sử dụng nguồn máu do đơn vị này cung cấp, trong đó có 2 bệnh viện quân y (Bệnh viện 121 Cần Thơ và Bệnh viện 120 Tiền Giang).

Các địa phương ở ĐBSCL sau khi tổ chức hiến máu tình nguyện phải chuyển về Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ để sàng lọc, phân loại. Sau đó, tùy theo nhu cầu, bệnh viện sẽ phân bổ lại nguồn máu cho từng địa phương dùng trong hoạt động y tế. Đây là điều bắt buộc, vì ở khu vực ĐBSCL, chỉ có bệnh viện này là đủ tiêu chuẩn để sàng lọc máu.  

Kho máu ĐBSCL đang cạn kiệt vì người tham gia hiến máu tình nguyện rất ít. Ảnh: Thành Nhân

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Hà Ngọc Khả Trân (đang tham gia hiến máu nhân đạo tại Bệnh viện Huyết học – Truyền Máu TP.Cần Thơ) cho biết: Từ lúc sinh viên chị đã tham gia hiến máu nhân đạo và vẫn giữ thói quen đó đến nay. Khi nghe thông tin trên báo chí, thấy lãnh đạo kêu gọi người dân đi hiến máu nên đã tham gia hiến máu với hy vọng máu của mình sẽ giúp được cho những người đang cần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn