MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong 10 năm gần đây, tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL diễn ra khốc liệt. Ảnh: Quang Phương

ĐBSCL nguy cơ thiệt hại trên 70.000 tỉ đồng mỗi năm do hạn hán, xâm nhập mặn

QUANG PHƯƠNG LDO | 27/03/2024 13:52

Tại buổi Hội thảo Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào sáng 27.3, đại diện các cơ quan chức năng, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp giúp ĐBSCL thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn.

Hạn, mặn khốc liệt

Ông Lê Ngọc Quyền - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, trong 10 năm gần đây, tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL diễn ra khốc liệt. Từ nửa cuối tháng 12.2023 tới nay, khu vực ĐBSCL gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Quang Phương

Cùng với đó, xâm nhập mặn năm 2024 diễn ra sớm, giữa tháng 11 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng. Hiện, các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (chỉ thấp hơn mùa khô năm 2016, 2020).

Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8 - 13.3 với ranh mặn 4‰ lấn sâu vào các dòng sông từ 40-66km, có nơi sâu hơn, riêng tại Bến Tre có nơi xâm nhập mặn còn sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016 (năm hạn mặn kỷ lục đã xảy ra ở ĐBSCL).

“Nắng nóng vẫn gay gắt, lượng nước bốc hơi mạnh, nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên mặn vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh ĐBSCL. Từ nay đến cuối tháng 5, ĐBSCL còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao”, ông Quyền nhận định.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Quang Phương

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học (Viện Khoa học Tài nguyên nước), với kịch bản hiện trạng, tổng mức thiệt hại do xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL khoảng 70.168 tỉ đồng. Đây là thiệt hại gây ra với hoạt động sản xuất gồm cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản.

Song, các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở các năm 2030, năm 2040 và năm 2050 với mức thiệt hại lần lượt là 72.385 tỉ đồng, 73.530 tỉ đồng và 76.485 tỉ đồng.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam - cho rằng, hiện nay xâm nhập mặn đã diễn ra nhiều nơi trong vùng ĐBSCL. Hơn nữa, mặn dâng lên nhưng không xác định là bao lâu, độ mặn thì khác nhau và ngày càng tăng lên, lượng muối trong nước có nơi không thể xử lý nổi. Do đó, cần có nhiều giải pháp để cho cả vùng chứ không riêng cho tỉnh nào.

Giải pháp để thích ứng với hạn, mặn

Theo PGS. TS Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát xâm nhập mặn ở địa phương như: hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp; hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre; cống đập Ba Lai, hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ĐBSCL... Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường.

TS. Trần Hữu Hiệp đưa ra các giải pháp thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: Quang Phương

Để thích ứng với hạn mặn, TS. Trần Hữu Hiệp đưa ra giải pháp cần tập trung “3 cần - 4 có”. Trong đó, cần dự báo sớm, chủ động thích ứng, xem hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ và có thể có đề xuất để xây dựng kịch bản kinh tế, tổ chức đời sống dân cư cho phù hợp và tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, cần công bố cập nhật thường xuyên bản đồ hạn mặn; chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt, ngoài những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống thì cần các giải pháp công trình, tăng cường hợp tác quốc tế…

Tại đây, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Điệp - Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ - đề xuất hướng dẫn người dân trữ nước ngọt; chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng; nghiên cứu, lai tạo giống cây mới chịu hạn, chịu mặn, mang lại giá trị kinh tế cao; sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn; trữ nước ngọt ở ven biển, có thể xây dựng hồ chứa nước ngọt như Sóc Trăng từng làm để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn