MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng Tháp khởi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 (ngày 25.6). Ảnh: Phong Linh

ĐBSCL sẽ có khoảng 548 km đường cao tốc vào năm 2025

PHONG LINH LDO | 03/07/2023 06:38

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm, đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có khoảng 548 km đường cao tốc. Theo quy hoạch, đến năm 2050, ĐBSCL có 1.188 km cao tốc, so với tổng số 9.014 km cao tốc của cả nước, góp phần vẽ nên bức tranh mới về giao thông của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Thay đổi diện mạo giao thông ĐBSCL

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 vừa được khởi công tại tỉnh Đồng Tháp. Dự án tạo lợi thế cho địa phương khi có cơ hội kết nối 3 trung tâm lớn: TPHCM, TP Cần Thơ và TP Phnompenh (Campuchia).

"Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt tỉ lệ đồng thuận cao, số hộ dân đã nhận tiền bồi thường là 511 hộ, đạt tỉ lệ 96%; số tiền đã giải ngân 478 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 93,3%; diện tích đã bàn giao 84 ha, đạt tỉ lệ 94,5%" - ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại lễ khởi công.

Trước đó, ngày 17.6, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 chính thức khởi công được xem là bước ngoặt thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của vùng trũng ĐBSCL.

Dự án có tổng chiều dài 188,2 km, đi qua 4 địa phương, với tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng. Đây được xem là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia; được kì vọng là một trong 6 tuyến cao tốc thay đổi diện mạo miền Tây Nam Bộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Duy Lâm, sau khi dự án hoàn thành sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia nói chung và của vùng ĐBSCL nói riêng. Trong tương lai gần, dự án là nền tảng để các tỉnh trong khu vực kết nối với cảng biển quốc tế Trần Đề để xuất khẩu hàng hóa trực tiếp đi các nước trên thế giới.

Ngay ngày đầu năm 2023, người dân điểm cuối cao tốc Bắc - Nam cũng vui mừng chờ thông đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Hồi tháng 2.2023, Phía UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã trình Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, đoạn từ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (nút giao IC7) đến đê biển Đông, tỉnh Bạc Liêu; với mục tiêu góp phần nâng cao năng lực khai thác của tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, phát triển các đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

ĐBSCL đón cơ hội phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc đầu tư đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL - một vùng có truyền thống cách mạng hào hùng, tiềm năng phát triển to lớn nhưng hạ tầng giao thông còn rất hạn chế.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, cao tốc về Đất Sen hồng tạo thuận lợi cho liên kết nông nghiệp, phát triển công nghiệp. Tỉnh đã quy hoạch định hướng phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi kết nối và đưa vào quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nổi bật là quy hoạch phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tiếp giáp theo tuyến.

Trong khi đó, tỉnh Hậu Giang tập trung khai thác phát triển theo 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TPHCM và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam sông Hậu để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.

Theo Chủ tịch tỉnh Hậu Giang - Đồng Văn Thanh, tỉnh sẽ quy hoạch các khu công nghiệp tập trung tại các vị trí cửa ngõ của cao tốc để đón đầu làn sóng đầu tư vào Việt Nam, đón chào các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn