MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nhà vườn tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre trữ nước ngọt bằng túi chứa nước. Ảnh: Theo TTXVN.

ĐBSCL ứng phó với hạn hán khốc liệt trong 3 ngày cuối tuần

Khánh Vũ LDO | 12/03/2020 19:35

Dự báo từ nay đến cuối tuần (12-15.3.2020), ranh mặn 4gram/lít trên sông Cái Lớn sẽ xâm nhập vào 55-58km tính từ cửa biển. Xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, đồng bằng sông Cửu Long chắt chiu từng giọt nước ngọt.

Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ nay đến hết tuần, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại bước vào đợt xâm nhập mặn mới rất khốc liệt.

Trên hệ thống sông Cửu Long, phạm vi xâm nhập mặn vào sâu nhất là sông Hàm Luông, từ 68-80km. Còn trên Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có thể vào sâu đến 110km; sông Cổ Chiên, sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 70km; sông Cái Lớn: 62-65km.

“Ứng phó với đợt mặn cao điểm này, người dân các địa phương đã hạn chế tưới nhằm giảm thiệt hại sản xuất. Diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới bà con chủ động kiểm tra nồng độ mặn. Người dân tiếp tục mua nước ngọt từ các sà lan để tưới cho vườn sầu riêng, tuy giá cao từ 150 - 200 đồng/m3”- ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ NNPTNT, cho biết.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chi số tiền 350 tỉ cho các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, mỗi tỉnh 70 tỉ đồng để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ đời sống người dân địa phương trong thời điểm cao điểm về hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Để phục vụ bà con ứng phó với hạn hán và ngập mặn, đặc biệt là ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt nghiêm trọng, một số nơi đã thực hiện mở vòi nước công cộng miễn phí phục vụ cho người dân ở các vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể như Hải Quân vùng 2, Quân khu 9, Bộ đội Biên phòng các địa phương tiếp tục chuyển nước ngọt, hỗ trợ dụng cụ chứa nước, giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt.

Là một trong 5 tỉnh đang chịu đợt hạn hán khốc liệt, tỉnh Bến Tre đang nỗ lực các giải pháp để dự trữ nguồn nước ngọt. Mùa khô năm 2020, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 20.000 hộ dân thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, tỉnh đang khẩn trương thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai dự án quản lý nước Bến Tre (JICA3). Đây là dự án quan trọng trong việc phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn với tổng mức đầu tư lên tới trên 6.191 tỉ đồng.

Mục tiêu của dự án là tăng cường bảo vệ và nâng cao việc sử dụng nguồn nước để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân vùng dự án không bị đe dọa bởi xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự khai thác quá mức thượng nguồn sông Mê Kông.

Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bến Tre đã được Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre ký hợp đồng để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. Trung tâm đã lập kế hoạch chi tiết thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng cho 4 cống khởi công trước là Tân Phú, Bến Rớ, Thủ Cửu, Cái Quao.

Dự kiến theo kế hoạch, tỉnh Bến Tre sẽ bàn giao mặt bằng thi công cho 4 cống khởi công trước gồm Tân Phú, Bến Rớ trong tháng 10.2020; bàn giao các cống Thủ Cửu, Cái Quao vào tháng 2.2021. Các cống còn lại gồm An Hóa, Bến Tre, Vàm Nước Trong, Vàm Thơm sẽ được bàn giao vào cuối năm 2021.

Tỉnh Kiên Giang cũng đã nâng công suất nhà máy cấp nước để bảo đảm cung cấp nước cho 9.000 hộ, số hộ thiếu nước còn lại sẽ sử dụng cấp nước di động (xe bồn)...

Tại tỉnh Sóc Trăng, đã mở rộng 115km mạng lưới đường ống cấp nước cho khoảng 4.000 hộ dân, tiếp tục hoàn thiện 604km đường ống trong năm 2020 để đảm bảo cấp nước cho 22.400 hộ dân…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn