MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - nơi trong tương lai sẽ là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Ảnh: BẢO TRUNG

Để Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”

BẢO TRUNG thực hiện LDO | 13/02/2024 16:42

Kết luận số 67-KLTW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giao UBND thành phố xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các chuỗi giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Trần Đức Nhật - Phó Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột. Ảnh: BẢO TRUNG

Liên quan đến vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Nhật – Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột để làm rõ hơn những tiềm năng, lợi thế sẵn có cũng như những thách thức địa phương đang gặp phải khi triển khai đề án chưa từng có tiền lệ này…

Thưa ông, lợi thế nào để Buôn Ma Thuột được chọn trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” ?

- Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, và đặc biệt thổ nhưỡng rất phù hợp với cây cà phê, tạo nên chất lượng cà phê thơm ngon đậm đà đặc trưng vùng đất đỏ bazan. Hạt cà phê Robusta vùng đất này thơm ngon, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê cả nước.

Ngoài sản phẩm cà phê đặc trưng, Buôn Ma Thuột ngày nay còn có các công trình văn hóa, công trình sản xuất mang đậm dấu ấn cây cà phê như Bảo tàng cà phê, đồn điền cà phê gắn với văn hóa thưởng thức, các lễ hội cà phê...

Với các yếu tố lịch sử, thổ nhưỡng, khí hậu và sự tích tụ văn hóa vùng miền, các tổ hợp không gian mang đậm dấu ấn cây cà phê, đã đến thời điểm thích hợp để thành phố Buôn Ma Thuột hướng đến mục tiêu và tầm nhìn mới, để nâng cao giá trị thương hiệu của đô thị, hình thành “thành phố cà phê của thế giới ”.

Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch cà phê. Ảnh: ĐÌNH VIÊN

Con đường để phát triển thành “Thành phố cà phê của Thế giới” có chông gai gì không?

- Đắk Lắk là địa phương đầu tiên trình Trung ương xem xét, phê duyệt ý tưởng “Thành phố cà phê của thế giới”. Dù là thủ phủ cà phê của cả nước, nhưng số lượng doanh nghiệp của Buôn Ma Thuột có quy mô lớn còn ít, mang tính cục bộ; chưa thể đi vào chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có điểm nhấn riêng biệt.

Chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất, kiểm soát chất lượng đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại chưa gắn kết chặt chẽ. Các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Việc sơ chế, chế biến cà phê quy mô nông hộ và các cơ sở sản xuất khác còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Thành phố cà phê của Thế giới” thì còn nhiều việc phải làm từ cải tạo chỉnh trang đến xây dựng mới những công trình phát triển các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê, du lịch, sự hấp dẫn về kiến trúc, nghệ thuật, bản sắc và môi trường cảnh quan đô thị...

Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch cà phê. Ảnh: ĐÌNH VIÊN

Theo ông, cần một sự hỗ trợ như thế nào từ Trung ương để có thể hiện thực hóa tính khả thi của đề án lớn này?

- Để làm được những mục tiêu như đã nói ở trên, UBND TP Buôn Ma Thuột sẽ đề xuất Trung ương phương án cải tạo chỉnh trang, thiết kế đô thị cho một số khu vực nội thị theo định hướng tạo bản sắc riêng cho thành phố cà phê, trong đó, bao gồm các không gian công cộng gắn với thương hiệu cà phê như quảng trường, tuyến phố, công viên, công trình kiến trúc, khu vực cửa ngõ đô thị, khu vực điểm nhấn cảnh quan, công trình nghệ thuật, trung tâm biểu diễn nghệ thuật....

Thành phố còn nghiên cứu đề xuất xây dựng các khu chức năng mới thuộc lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê. Ví như, vị trí xây dựng các công trình sàn giao dịch cà phê, trung tâm tài chính, dịch vụ logistics về cà phê, trung tâm thương mại, Trung tâm sản xuất chế biến cà phê chất lượng cao đẳng cấp quốc tế...

Trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu đã được quy hoạch chung, thành phố xác định đề xuất hạng mục nâng cấp, bổ sung, hoàn chỉnh để đáp ứng vai trò là đầu mối hệ thống hạ tầng vùng, quốc gia hướng tới đủ tiêu chuẩn, năng lực cấp quốc tế; bảo tồn, trùng tu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trực tiếp và gián tiếp phục vụ du lịch, lễ hội cà phê...

Bên cạnh đó, Trung ương cần cho địa phương cơ chế, chính sách khuyến khích người dân tham gia xây dựng làm đẹp, xanh, sạch thành phố đáp ứng tiêu chí thành phố cà phê thế giới; ưu tiên cho các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và kinh doanh cà phê trên địa bàn; chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt là các chương trình khuyến khích, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê theo chuỗi giá trị bền vững, có định hướng thị trường và mang thương hiệu thành phố cà phê của thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn