MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần làm quyết liệt, công khai xin lỗi thực sự là nếp văn hóa trong nền công vụ. Ảnh: Hải Nguyễn

Để cán bộ không còn phải xin lỗi dân

Phạm Đông LDO | 05/01/2024 13:00

Theo đại biểu Quốc hội, việc chậm giải quyết thủ tục hành chính phải xin lỗi dân không có gì xấu hổ mà là một cử chỉ rất văn hóa. Tuy nhiên, nếu để trễ hẹn nhiều lần, cán bộ lại tỏ thái độ khó chịu với dân, giải thích lòng vòng với lý do không chính đáng thì thủ trưởng đơn vị phải xử lý nghiêm khắc.

Để xin lỗi thực sự là nếp văn hóa trong nền công vụ

Để quá hạn giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức ở một số địa phương đã phải viết thư xin lỗi người dân. Có thể kể đến nhiều xã, phường ở Thanh Hóa, Nghệ An...

Tại Hà Nội, UBND thành phố cũng yêu cầu nếu để tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính mà hồ sơ xử lý quá hạn thì cơ quan, đơn vị phải có thư xin lỗi và hẹn lại thời gian trả kết quả. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân liên quan.

Cuối năm 2023, Chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu công khai danh sách cán bộ xử lý hồ sơ chậm trễ.

Trao đổi với Lao Động ngày 4.1, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hành động xin lỗi dân của chính quyền một số địa phương và cơ quan thể hiện thái độ thẳng thắn nhận trách nhiệm trước nhân dân. Đây là hành động cụ thể chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ. Bởi sai với dân thì phải xin lỗi, việc ấy không có gì xấu hổ mà là một cử chỉ rất văn hóa, là văn hóa xin lỗi của cán bộ, công chức.

Theo ông Hòa, từ Trung ương đến một số địa phương đã có những quy định rạch ròi, cụ thể khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Khi đến hẹn mà chưa xử lý xong thủ tục hành chính thì cán bộ, công chức đó phải có lý do, đồng thời phải xin lỗi để người dân có sự cảm thông để làm sao tạo sự thân thiện giữa chính quyền với người dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu, khi chậm giải quyết thủ tục hành chính cho dân thì cán bộ cũng có thể xin lỗi trực tiếp bằng miệng, bằng lời nói với thái độ cầu thị chứ không nhất thiết phải bằng văn bản.

“Nếu để trễ hẹn nhiều lần, cán bộ lại tỏ thái độ khó chịu với dân, giải thích lòng vòng với lý do không chính đáng thì thủ trưởng đơn vị phải xử lý nghiêm khắc”, đại biểu Hòa nói và cho rằng, cần làm quyết liệt, công khai để xin lỗi thực sự là nếp văn hóa trong nền công vụ.

Minh họa: ĐAN

Không có thư xin lỗi là hành vi vi phạm cần nghiêm khắc kiểm điểm, xử lý

Còn đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho biết, Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến cải cách hành chính, đã có rất nhiều văn bản luật, nghị quyết, nghị định… quy định về kỷ luật, kỷ cương khi thực hiện các thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, trong Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 nêu rõ tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, giảm tỉ lệ trễ hạn trong giải quyết hồ sơ. Nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hạn. Không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân.

Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, việc trễ hạn khi giải quyết các thủ tục hành chính có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nguyên nhân tiêu cực, nhũng nhiễu. Việc không có thư xin lỗi là hành vi vi phạm cần phải nghiêm khắc kiểm điểm, xử lý theo quy định nhằm giữ vững kỷ cương hành chính Nhà nước, giữ được hình ảnh người cán bộ, công chức tận tụy phục vụ nhân dân.

TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nêu rõ, biết nhận lỗi và xin lỗi dân là hành vi rất cần thiết và rất đáng được hoan nghênh khi cán bộ, công chức, viên chức làm chưa tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Việc này đã được chuyển biến thành hành động cụ thể của cán bộ, công chức hướng đến một nền hành chính phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn