MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi doanh nghiệp và nhà trường vẫn “đồng sàng dị mộng” vì ai cũng sống khỏe thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn sẽ không cải thiện tối đa. Ảnh: PV

Để doanh nghiệp bắt tay với nhà trường trong giáo dục nghề nghiệp

Duy Thiên LDO | 13/10/2019 15:37
Trong giáo dục nghề nghiệp, vẫn còn tình trạng nhà trường và doanh nghiệp đùn đẩy trách nhiệm. Theo mô hình đào tạo kép thì phải dựa trên sự đặt hàng của doanh nghiệp, nhưng hiện nay, chúng ta đang triển khai theo lối tuyển sinh rồi cung cấp cho doanh nghiệp. Từ đó không tìm được tiếng nói chung, học viên tốt nghiệp làm không đúng chuyên môn được đào tạo nên vừa lãng phí lại vừa không được trọng dụng.

Không cần nhau, vì anh nào cũng sống khỏe

Theo đánh giá của bà Vi Thị Hồng Minh - Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI), quy mô lao động đang có việc làm ở Việt Nam có diễn biến mở rộng nhưng tốc độ chậm. Đặc biệt, về chất lượng lao động đã liên tục được cải thiện thể hiện qua tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn hạn đã giảm, trong khi tỉ lệ đào tạo qua các trường đại học và cao đẳng tăng lên. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tỉ lệ lao động trong doanh nghiệp chưa qua đào tạo vẫn chiếm tới 1/5 lực lượng lao động đã phản ánh phần nào những yêu cầu trong việc đào tạo lao động của các doanh nghiệp khi tuyển dụng, kéo theo kinh phí gia tăng.

Bà Minh cho rằng, các doanh nghiệp FDI ít hài lòng về chất lượng lao động được đào tạo nghề của địa phương và họ thường phải đào tạo lại. Nhiều doanh nghiệp quốc nội cũng chung quan điểm về vấn đề chất lượng lao động không đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp. “Đặc biệt ở những doanh nghiệp gia công xuất khẩu thường sử dụng theo mùa vụ, khi cần mới liên kết trường đào tạo nghề, còn gắn kết dài hạn thì lại không được quan tâm. Những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động lâu dài thường muốn tuyển dụng lao động chất lượng cao, nhưng lại chỉ liên kết với trường đại học chứ không phải giáo dục nghề nghiệp” - bà Minh chia sẻ.

Đại diện một trường đào tạo nghề cho rằng, cả doanh nghiệp và nhà trường đều đang rất cần nhau, nhưng có nguyên nhân dẫn tới việc dù biết vậy vẫn không bắt tay nhau một cách chủ động và tích cực. “Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang tự tổ chức hoạt động quản lý theo cơ chế chủ động hoàn toàn, có thể tổ chức đào tạo trực tiếp hoặc đào tạo lại khi  tuyển dụng lao động. Với nhà trường, vì được cấp kinh phí để xây dựng chương trình, quyết định chương trình đào tạo nên không cần biết nhu cầu chính xác của doanh nghiệp mà vẫn đào tạo được. Vì cả 2 cùng đào tạo được nên hai bên không cần nhau vẫn sống tốt. Đó là thực trạng rất đáng ngại - vị đại diện này nhận định.

Cần quy định bắt buộc vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề

Đại diện một doanh nghiệp lại cho rằng, lâu nay nhà trường và doanh nghiệp vẫn đùn đẩy. Theo mô hình đào tạo kép thì phải dựa trên sự đặt hàng của doanh nghiệp, nhưng hiện nay chúng ta đang triển khai theo lối tuyển sinh rồi cung cấp cho doanh nghiệp. Từ đó không tìm được tiếng nói chung, học viên tốt nghiệp làm không đúng chuyên môn được đào tạo nên vừa lãng phí lại vừa không được trọng dụng. Như vậy là "đồng sàng dị mộng" - cùng mục đích nhưng lại không gặp nhau.

Nói về các giải pháp để mở rộng cơ chế, tăng tính tự chủ cho nhà trường, đại diện trường Cao đẳng Nghề Công nghệ Đồng Nai - ông Lê Anh Đức cho biết, trường ông đã tự chủ tài chính 18 năm và vấn đề không chỉ ở tài chính. Ông Đức cho rằng: “Tự chủ tài chính không phải là vấn đề lớn nhất mà cần đồng bộ cả 3 hình thức tự chủ. Thứ nhất là tài chính, thứ hai là tự chủ chức năng nhiệm vụ, nhà trường được làm những gì pháp luật không cấm. Thứ ba là tự chủ về học thuật. Phải như thế mới có thể đem ra đàm phán với doanh nghiệp được. Có những khi doanh nghiệp đặt hàng chúng tôi đào tạo một nghề, nhưng phải mất tới 6 tháng xin phép đào tạo chương trình 3 tháng -– doanh  nghiệp khi ấy họ đã bỏ chúng tôi rồi”.

Hiện chúng ta đã có nhiều tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ đào tạo nghề và cải cách hệ thống đào tạo nghề, song rõ ràng còn rất nhiều vấn đề phải xử lý. Giám đốc chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam GIZ (tổ chức của Đức) - ông Jurgen Hartwig - cho biết: “Chương trình đào tạo chuẩn của Đức yêu cầu học viên phải đảm bảo 20% thời gian thực tập tại dây chuyền của các doanh nghiệp. Thực tập viên sẽ nhận được doanh nghiệp trả thù lao cho sản phẩm làm ra. Như thế sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia, dù học tại đâu thì đều phải tuân theo các quy chuẩn đã đưa ra để sinh viên có thể tiếp cận được những công nghệ mới nhất. Nhân sự đào tạo cũng phải là những người rất giỏi về nghề.

Có nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp Việt thường không đồng ý cho thực tập sinh làm việc trong nhà máy, dây chuyền của mình vì ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng, tiến độ công việc. Thậm chí, doanh nghiệp còn nại lý do “ai sẽ chịu trách nhiệm về an toàn của thực tập sinh khi thực tập tại dây chuyền của nhà máy”.

Sự manh mún trong mô hình sản xuất đẩy các doanh nghiệp vào thế không quá có nhu cầu với chất lượng lao động, vì thế, họ không tích cực trong việc gánh vác trách nhiệm đào tạo lao động tổng thể. Cộng thêm nỗi lo đào tạo rồi, người lao động bỏ đi làm cho đối thủ nhưng pháp luật không có cơ chế nào bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp.

Trước đó, ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cũng thừa nhận những tồn tại mà nhiều ý kiến đã nêu. “Chuẩn hóa các điều kiện khác như thiết bị máy móc… thì nguồn lực ở đâu? Hàng năm hệ thống đào tạo nghề nghiệp có khoảng 1.000 tỉ nhưng chia ra cho 1.000 cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì không thấm vào đâu cả, như muối bỏ bể” - ông Minh cho biết.

Ở những doanh nghiệp gia công xuất khẩu thường sử dụng theo mùa vụ, khi cần mới liên kết trường đào tạo nghề, còn gắn kết dài hạn thì lại không được quan tâm. Những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động lâu dài thường muốn tuyển dụng lao động chất lượng cao, nhưng lại chỉ liên kết với trường đại học chứ không phải giáo dục nghề nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn