MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Quốc Hương (phường Thảo Điền) thường xuyên ngập nước sau mưa. Ảnh: Minh Quân

Để giải quyết ngập, TPHCM cần hơn 100.000 tỉ đồng

MINH QUÂN LDO | 04/07/2022 18:30

TPHCM - Hơn 100.000 tỉ đồng là số tiền TPHCM cần để thực hiện các dự án trọng điểm về chống ngập, cải thiện hệ thống thoát nước và xây dựng nhà máy xử lý nước thải đến năm 2025.

Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo về kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, Sở Xây dựng TPHCM xác định nhu cầu vốn để đầu tư các dự án chống ngập trong 5 năm tới là hơn 101.400 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố là hơn 31.400 tỉ đồng, còn lại các nguồn vốn khác từ Trung ương, xã hội hóa, ODA.

Với số tiền này, TPHCM sẽ đẩy nhanh hoàn thành dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng để giải quyết ngập cho 4 tuyến đường: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50.

Đồng thời, triển khai dự án hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (8.200 tỉ đồng); cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TPHCM (lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên) và cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn.

Ngoài ra, TPHCM sẽ triển khai nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (hơn 9.300 tỉ đồng); dự án cải tạo kênh Hy Vọng (gần 2.000 tỉ đồng); cải tạo các trục tiêu thoát nước chính gồm rạch Văn Thánh, Xóm Củi, Bà Lớn.

TPHCM cũng tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết 15 tuyến trục chính thường xuyên ngập nước, gồm: Nguyễn Hữu Cảnh, Bàu Cát, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc lộ 1A, Phan Anh, Hồ Học Lãm.

Song song đó, trong 5 năm tới TPHCM sẽ triển khai thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước và nạo vét kênh rạch với tổng chiều dài hệ thống thoát nước được bổ sung khoảng 96km và chiều dài kênh rạch được cải tạo khoảng 5km.

Bên cạnh đó, thành phố xây dựng hoàn thành dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2); hoàn thành dự án Cải tạo môi trường nước (giai đoạn 2) và tổ chức kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải còn lại.

Trước đó, giai đoạn 2016 – 2020, TPHCM chi hơn 25.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án chống ngập nhưng ngập vẫn hoàn ngập.

Ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, ngập nước tại TPHCM ngoài các nguyên nhân biến đổi khí hậu, dân số tăng, đô thị hoá nhanh còn do triển khai các dự án chống ngập chậm, mới chỉ đạt khoảng 46% theo quy hoạch tổng thể thoát nước ở thành phố.

Theo ông Điệp, với một thành phố lớn như TPHCM mà không có điểm ngập là điều rất khó. “Chúng ta có thể làm cho TPHCM hết ngập được nhưng với điều kiện phải đầu tư, xây dựng các dự án lớn đòi hỏi chi phí cao thì mới có thể giải quyết được triệt để các điểm ngập. Tuy nhiên nguồn lực của thành phố còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được” - ông Điệp nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn