MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những vòm cầu nhếch nhác được biến thành không gian bích hoạ trên phố Phùng Hưng

Để “Hà Nội đẹp từng centimet”

Quỳnh Anh LDO | 22/08/2022 10:14

Thiếu không gian công cộng là khó khăn chung của nhiều khu dân cư tại Hà Nội và là thách thức trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cuộc thi Thiết kế Việt Nam 2022 đã dành trọn hạng mục Thiết kế công cộng để các nhà thiết kế, các kiến trúc sư tìm lời giải cho các không gian công cộng, thông qua chủ đề “Hà Nội đẹp từng centimet”. Và nếu có sự chung tay của chính quyền, các nhà thiết kế, nghệ sĩ và người dân, Hà Nội hoàn toàn có thể “đẹp từng centimet”.

Cuộc thi Thiết kế Việt Nam 2022, được phát động vào cuối tháng 6 vừa qua, dành trọn hạng mục Thiết kế công cộng để các nhà thiết kế, các kiến trúc sư tìm lời giải cho các không gian công cộng, thông qua chủ đề “Hà Nội đẹp từng centimet”.

Ở nơi đất chật, người đông như Hà Nội, việc có thêm những không gian công cộng hữu ích là hết sức khó khăn. Nhưng thực tế cũng cho thấy, dù nhiều trở ngại, không ít không gian công cộng đã được hình thành, dù trước đó, có thể là khu đất đổ rác thải, bãi xe, hay bị chiếm dụng vì nhiều mục đích khác nhau. Chỉ riêng nhóm Think playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong phố) đã cùng chính quyền địa phương các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đông Anh… triển khai xây dựng hàng chục không gian công cộng hữu ích trên địa bàn thành phố. 

Mới đây, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cũng kết hợp với chính quyền, các tổ chức và nhân dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cải tạo khu vực đổ phế thải bên bờ sông Hồng thành một “vườn rừng trong phố”. Tại toạ đàm thiết kế công cộng với chủ đề “Hà Nội đẹp từng centimet” vừa mới tổ chức, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: Ngay trung tâm phố cổ trước đây cũng có một tụ điểm tệ nạn phức tạp. Sau đó, chính quyền quận Hoàn Kiếm đã tập trung nguồn lực để cải tạo nơi đó thành một không gian của cộng đồng. Đó là Trung tâm Giao lưu văn hoá Phố cổ bây giờ. Những hoạt động văn hóa cho cộng đồng thường xuyên được tổ chức tại đây phục vụ nhân dân. 

Để giải quyết bài toán không gian công cộng, được phép của Thành phố đã tổ chức các không gian đi bộ. Ban đầu ý tưởng này gặp không ít ý kiến trái chiều, nhưng với sự quyết tâm, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thành công. Các không gian đi bộ không chỉ tạo thêm điểm vui chơi mà còn thu hút khách du lịch. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, trong tương lai, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục mở rộng không gian công cộng trên địa bàn, thậm chí còn “tiến ra sông Hồng”.

Hay như tại phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) vốn đất chật, người đông. Trước đây, có một sân chơi nhỏ ở khu dân cư số 8, nhưng khu đất ấy bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe. Sau giờ đi học, trẻ con thường phải “giam mình” trong nhà, hoặc xem tivi, chơi điện thoại. Nhưng bây giờ, bãi đỗ xe ấy đã “biến mất”, thay vào đó là một khu vui chơi. Những vật liệu tưởng chừng bỏ đi như lốp xe ôtô cũ, tấm gỗ, thanh tre... đã được “biến hình” thành bập bênh, xích đu, ghế ngựa... sơn đủ màu thật bắt mắt cuốn hút các em nhỏ.

Các chuyên gia đã khéo léo thiết kế một hàng rào gỗ thấp xung quanh sân chơi, vừa tránh các phương tiện ra vào, vừa làm chỗ ngồi, chỗ nghỉ ngơi. Những bồn hoa nhỏ được trồng xung quanh sân chơi tạo nên một không gian xanh. Từ chiều đến tối, sân chơi tràn ngập tiếng cười của trẻ. 

Ông Lê Quang Huy, người sống tại đây hơn 40 năm cho biết, mọi người ai cũng thấy bất cập khi xe cộ đỗ bừa bãi, trẻ em thì không có chỗ chơi. Khi bãi đỗ xe bị dẹp và thay bằng sân chơi, nhân dân rất phấn khởi. Sân chơi là kết quả của sự hợp tác ba bên: Doanh nghiệp xã hội Think playgrounds, chính quyền và nhân dân địa phương.

Việc cải tạo các không gian công cộng hiện nay đã thuận lợi hơn trước khi có sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp xã hội, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức sẵn sàng tham gia vì mục đích phi lợi nhuận. Vấn đề tiếp theo phụ thuộc vào nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương.

Về xu hướng thiết kế, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn, để “Hà Nội đẹp từng centimet” thì các thiết kế nên hướng đến “giảm cứng hóa, tăng xanh”. Xu hướng này tuy trái ngược với xu hướng “cứng hoá, bê tông hoá” từ thành thị đến nông thôn của Hà Nội hiện nay, nhưng là xu thế chủ đạo của thế giới trong giảm thiểu khí thải carbon, tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế.  

Nhiều nhà thiết kế đều cho rằng, cùng với chính quyền, giới chuyên môn, để có được thành công bền vững, rất cần cư dân địa phương tham gia vào thiết kế không gian công cộng. Bởi đó chính là chủ thể của những không gian này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn