MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người đàn ông là nạn nhân của cuộc kêu gọi “trừng phạt” từ Facebooker Đàm Vĩnh Hưng (ảnh cắt từ clip trên mạng xã hội).

Dễ hay khó?

thế lâm LDO | 24/10/2019 10:31

Thông tin vu khống thuộc phạm trù tin giả (fake news), được thạc sĩ Phan Văn Tú (Trưởng bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí - Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) cho rằng: “Không ngày nào là không xuất hiện trong thời buổi mạng xã hội hiện nay”.

Thao túng thông tin trên mạng xã hội để trục lợi

Ông Tú đơn cử tin tức giả lan truyền trên mạng xã hội (MXH) hàng ngày như từ trường hợp mưa lớn gây ngập lụt thành phố Vinh, vụ nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn, rồi cái chết của vị thứ trưởng v.v…, đều có những tin tức xuyên tạc trên MXH. Theo ông Tú, “thời buổi hiện nay tin tức trên MXH đang bị thao túng, thao túng đến mức kinh khủng”. Thông tin bị thao túng để vu khống, trục lợi là cố ý, có mục đích.

Ở một góc nhìn khác, tại cuộc tọa đàm “Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 22.10, nhà báo Đỗ Hùng cho rằng, với MXH ai cũng có thể sản xuất và lan tỏa tin tức. Tuy nhiên, nếu không nhận diện được đâu là tin giả và đâu là thông tin chính xác mà phát tán sẽ vô tình gây ảnh hưởng lớn tới lợi ích của xã hội và của nhiều người khác. Lấy ví dụ vụ trường hợp AirVisual, không ít người dùng MXH nghe theo lời kêu gọi “ném đá” ứng dụng theo dõi chất lượng không khí này và đánh giá 1 sao cứ tưởng rằng đang làm một việc tốt, chính nghĩa nhưng trên thực tế chạy theo những lời quy kết thiếu căn cứ, do hiểu lầm.

Thậm chí hơn thế, vụ Facebooker Đàm Vĩnh Hưng kêu gọi đám đông trừng trị người cha đánh con trong một clip được phát tán trên mạng, còn gây ra hệ lụy nặng nề hơn là người cha trong clip bị đánh đến mặt bê bết máu. Dùng bạo lực để trị bạo lực, bước đi quá xa này trở nên vi phạm pháp luật cũng xuất phát từ việc nắm thông tin thiếu chính xác.

Xử lý dễ hay khó?

Theo đạo diễn Lê Hoàng, khó thể giải quyết hết được các bức xúc do tình trạng tin giả, thông tin vu khống… nảy sinh quá nhanh trên MXH gây ra. “Dù trông chờ vào pháp luật thì chúng ta vẫn phải rèn bản lĩnh, sức chịu đựng để vượt qua”, ông Hoàng nói.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói thẳng quan điểm: “Phải chiếu tướng những ông lớn đầu” tung tin giả, vu khống trên MXH. Nhờ đến pháp luật xử lý, nạn nhân dù là cá nhân hay doanh nghiệp cũng đều mệt mỏi, nhiều khi “được vạ thì má đã sưng”. Nhưng theo ông Vũ Phi Long (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự Tòa án Nhân dân TPHCM): “Trong trường hợp cần thiết trước nguy cơ ảnh hưởng đến gia đình và uy tín bản thân thì cũng phải sử dụng biện pháp cuối cùng là nhờ đến pháp luật can thiệp”.

Ông Long cho rằng, các Facebooker có lượng người theo dõi lớn danh tính của họ thường được biết đến khá rõ. Vấn đề là phương pháp tiến hành khởi kiện ra tòa, cần biết cách thu thập các chứng cứ và lập vi bằng để chuyển đến tòa án. Việc thu thập chứng cứ và lập vi bằng có thể yêu cầu văn phòng thừa phát lại có chức năng, thẩm quyền được luật pháp quy định. Ở mức độ thấp hơn có thể xử lý hành chính, theo tiến sĩ Lê Quốc Cường - Phó giám đốc Sở TTTT TPHCM: “Khi bị vu khống, làm nhục, đối tượng bị hại nên báo cáo với cơ quan chức năng để có cơ sở xử lý”.

Các mức độ xử lý khi bị vu khống trên MXH

Ông Vũ Phi Long cho biết, có 4 mức độ đối tượng bị hại có thể tiến hành khi bị vu khống trên MXH. Mức độ 1 là gửi thư/đơn khiếu nại đến tổ chức, đơn vị của Facebooker tung ra thông tin vu khống không đúng sự thật yêu cầu rút lại status, xóa thông tin vu khống. Mức độ 2 là làm đơn gửi các cơ quan chức năng để đưa vụ việc đi đến xử lý hành chính. Mức độ 3 là kiện dân sự ra tòa án yêu cầu bồi thường. Mức độ 4 thúc đẩy xử lý hình sự (có trường hợp nạn nhân yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố qua đơn thư).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn