MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh chen lấn, xô đẩy trước cổng trường với hy vọng đăng kí vào lớp 1 cho con. Ảnh: Hải Nguyễn

Đề nghị Hà Nội bổ sung hệ thống giáo dục công lập phổ thông đáp ứng 75% nhu cầu

KHÁNH AN LDO | 17/07/2023 17:21

PGS.TS Bùi Thị An đề nghị bổ sung hệ thống giáo dục công lập phổ thông ở Hà Nội phải đáp ứng được 75% nhu cầu của học sinh trong bậc trung học có nhu cầu học, có chính sách hỗ trợ để tất cả học sinh được tiếp cận giáo dục như hiến định...

Ngày 17.7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đồng quan điểm cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, có sức lan tỏa, thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Góp ý về hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội - cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tính tới yếu tố đặc thù và ưu tiên cho Thủ đô.

Các điều luật tuy toàn diện nhưng thiếu ràng buộc, quan hệ khăng khít với nhau. Đặc biệt, một số lĩnh vực còn có sự mâu thuẫn giữa tăng dân số cơ học và hạ tầng xã hội như: Giáo dục, y tế, sân chơi, nhà ở, giao thông, môi trường. Dự thảo Luật Thủ đô chưa có cơ chế đặc thù nên sẽ khó giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc của Hà Nội hiện nay.

PGS. TS Bùi Thị An. Ảnh: VGP

PGS.TS An đề nghị bổ sung hệ thống giáo dục công lập phổ thông phải đáp ứng được 75% nhu cầu của học sinh trong bậc trung học có nhu cầu học, có chính sách hỗ trợ để tất cả học sinh được tiếp cận giáo dục như hiến định... Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đảm bảo chất lượng phòng học, triệt tiêu sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường đánh giá, các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học đều tâm huyết, trí tuệ và mong muốn đóng góp cho hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được hoàn chỉnh nhất.

Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân trước khi trình Quốc hội.

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21.11.2012 và có hiệu lực ngày 1.7.2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.

Tuy nhiên, qua hơn 9 năm thi hành, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp quy định được đề ra trong Luật Thủ đô còn nhiều tồn tại, nhất là trong các lĩnh vực: xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành; quản lý, sử dụng đất...

Nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và khắc phục tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định, thực hiện cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, xây dựng Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại” như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.

Theo đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều; tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành. Nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước. Các nội dung này được cụ thể hóa tại các điều từ chương II đến chương V.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn