MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Đông Trù kết nối huyện Đông Anh với trung tâm Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tô Thế

Đề nghị nâng cấp hạ tầng giao thông khi Đông Anh lên quận

TRÍ MINH LDO | 01/08/2023 15:07

UBND huyện Đông Anh cho biết, cử tri vừa có ý kiến đối với đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận.

Cụ thể, tổng số cử tri đồng ý với đề án là 261.136 người đạt tỉ lệ 99,25%.

Ngoài ra, một số cử tri đề nghị sau khi thành lập phường, giữ nguyên một số tên gọi có ý nghĩa văn hoá, lịch sử lâu đời của địa phương.

Đồng thời, cử tri cũng đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư nhà văn hoá, khu vui chơi, điểm sinh hoạt cộng đồng; Đề nghị tiếp tục nâng cấp hạ tầng giao thông, quan tâm hơn nữa các vấn đề về môi trường, nước sạch.

Vào đầu tháng 7 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua tờ trình của UBND TP Hà Nội về Đề án thành lập quận Đông Anh với 24 phường thuộc quận.

Theo đó, cùng với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao và sự phát triển, lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp đã kéo theo lực lượng lao động từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng như: nhà ở, giao thông, y tế,... của huyện Đông Anh.

Đồng thời tạo ra những khó khăn, áp lực nhất định trong công tác quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội, trật tự xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp thoát nước, điện, nhà ở xã hội, quản lý về kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, thương mại du lịch và các thiết chế xã hội,... đối với bộ máy quản lý hành chính Nhà nước được tổ chức theo mô hình chính quyền nông thôn hiện nay của huyện.

Từ thực tế đó, để đảm bảo cho mục tiêu, định hướng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho huyện Đông Anh nói riêng cũng như lợi ích của thành phố Hà Nội nói chung, cần có một giải pháp quản lý phù hợp hơn nữa trong công tác chính quyền địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả của chính quyền trong quản lý tổng thể xã hội.

Việc thành lập quận Đông Anh được đánh giá là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua.

Trong khi đó, trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, đã có tác động rất lớn đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân trên địa bàn các xã, thị trấn thuộc huyện Đông Anh.

Quan hệ sản xuất, giao dịch hành chính, thương mại, văn minh đô thị, của người dân đã dần chuyển sang môi trường đô thị, hiện đại hơn, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn.

Tuy nhiên, cũng nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn trong công tác quản lý kinh tế, quản lý quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quản lý dân cư, phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường do bộ máy quản lý hành chính Nhà nước vẫn tổ chức, hoạt động theo mô hình chính quyền nông thôn. Do đó, việc thành lập các phường thuộc quận Đông Anh cũng thực sự cần thiết.

Theo tờ trình được phê duyệt, quận Đông Anh khi được thành lập sẽ dựa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 185km2, dân số 437.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có.

Quận sẽ có 24 phường gồm: Đông Anh (thị trấn Đông Anh), Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn