MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các học sinh tại Thủ Đức nhập viện do nghi ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Nguyễn Ly

Để ngộ độc thực phẩm không còn là nỗi ám ảnh

Thành Quang LDO | 13/05/2024 09:49

Thông tin về hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể gần đây khiến người dân lo lắng về sức khỏe bản thân và người trong gia đình. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng thực tế triển khai còn lỏng lẻo.

Tại TP Hồ Chí Minh, trên chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời, bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh - cho rằng: “Tình hình tuân thủ an toàn thực phẩm vẫn được giữ vững. Có thể nói, TPHCM trong giai đoạn này tương đối yên bình về ngộ độc thực phẩm. Cũng có những vụ nghi ngờ ngộ độc nhưng qua điều tra thì dữ liệu chứng minh chưa phải ngộ độc thực phẩm và cũng ở mức độ nhỏ”.

Tất nhiên cần đánh giá cao nỗ lực của TPHCM, đặc biệt là những công việc của Sở An toàn thực phẩm mới thành lập được 5 tháng. Tuy nhiên sự kiện 15 học sinh thuộc nhiều trường tiểu học tại Thủ Đức nghi ngộ độc thực phẩm hay vụ 20 sinh viên nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại một tòa nhà ký túc xá khu B Đại học Quốc gia TPHCM… cũng cho thấy, mức độ an toàn về vệ sinh thực phẩm tại TPHCM chỉ ở mức độ… tương đối.

Trong thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn, có vụ lên tới trên 500 người. Ngày 11.5, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở An toàn thực phẩm TPHCM; Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nêu trên phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Trong đó, yêu cầu thực hiện nghiêm các Chỉ thị gần đây của Thủ tướng về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Bộ Y tế yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).

Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Sở An toàn thực phẩm TPHCM; Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng ngành Công Thương, Nông nghiệp tổ chức thực hiện công tác giám sát, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định.

Trách nhiệm của cơ quan có chức năng ngăn ngừa thực phẩm bẩn là rất lớn, đó cũng là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.

Chỉ có vậy, nỗi ám ảnh về thực phẩm bẩn không còn lơ lửng trên đầu người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn