MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đẻ thuê bằng hình thức quan hệ trực tiếp dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Ảnh: Khánh Linh

Đẻ thuê bằng quan hệ trực tiếp: Những hệ lụy khôn lường

Khánh Linh LDO | 30/07/2023 12:20

Tiến sĩ Xã hội học Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, đẻ thuê bằng hình thức quan hệ trực tiếp là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đạo đức và để lại những hệ lụy khôn lường.

Sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt bài viết về việc đẻ thuê bằng hình thức quan hệ trực tiếp đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Liên quan đến việc này, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Xã hội học Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS).

TS Hồng cho biết: "Câu chuyện mang thai hộ ở Việt Nam cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, việc mang thai hộ (đẻ thuê) bằng hình thức quan hệ trực tiếp sẽ để lại nhiều hậu quả, hệ lụy.

Trước hết, đây là hành vi này trái quy định của pháp luật. Bởi, Luật pháp đã quy định rất rõ về việc mang thai hộ theo mục đích nhân đạo. Đó là phôi thai sẽ được cấy vào tử cung của người mang thai hộ, cùng với đó là những quy định chặt chẽ.

Trong trường hợp cả hai hoặc một trong hai đã có gia đình và hiện chưa li hôn thì việc này rõ ràng là vi phạm Luật Hôn nhân gia đình. Còn khi cả hai chưa có gia đình, xét về góc độ pháp luật có thể họ không vi phạm, nhưng xét về góc độ tâm lý, tình cảm thì vẫn sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề".

Tiến sĩ Xã hội học Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS). Ảnh: Khánh Linh

Theo TS Khuất Thu Hồng, nói cách khác, ở trường hợp này không chỉ là mua bán, thỏa mãn nhu cầu tình dục đơn thuần mà mối quan hệ sẽ có ít nhất cho đến khi đứa trẻ ra đời.

Có thể nói, mối quan hệ này sẽ mang lại rất nhiều rủi ro cho người phụ nữ là người mang thai. Ngoài ra, chưa kể việc sẽ xảy ra sự ghen tuông từ phía người vợ nếu như người đàn ông đang có gia đình. Cũng không thể ngoại trừ việc người đàn ông và người phụ nữ mang thai hộ có nảy sinh tình cảm với nhau.

Nói về những hệ lụy từ việc này, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ thêm: "Xét về quyền làm mẹ, đứa con khi sinh ra vẫn là giọt máu và có huyết thống với người mẹ. Tuy nhiên, sau khi sinh, phía gia đình sẽ yêu cầu họ phải trả đứa con và rời đi.

Việc này sẽ để lại rất nhiều tổn thương cho người mẹ, thậm chí là cả đứa con khi nó lớn lên và biết tất cả mọi chuyện. Việc không cho phép họ gặp con cũng đã và đang tước đi quyền làm mẹ của những người phụ nữ đó".

Theo nữ Tiến sĩ, chuyện mang thai hộ giờ đây dường như không chỉ dừng lại ở mục đích nhân đạo mà đã trở thành một giao dịch thương mại, thậm chí là tạo thành cả những đường dây môi giới.

"Có thể những con số đó chưa phải là nhiều, nhưng đã phản ánh một vấn đề xã hội nhức nhối, đó là vì tiền người ta có thể làm tất cả, bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật.

Không thể phủ nhận rằng, cũng có những người phụ nữ do quá khó khăn phải tìm đến con đường này. Nhưng cũng có người họ coi đó là một công việc để kiếm tiền mà không biết rằng công việc này đang đặt họ trước rất nhiều rủi ro về sức khỏe, tâm lí. Cơ thể của người phụ nữ lúc này được coi như một cái "máy đẻ" - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội phân tích.

TS Khuất Thu Hồng cũng cho rằng, pháp luật nước ta cũng cần nghiêm minh hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề mang thai hộ để những câu chuyện cũng như hệ lụy đau lòng từ việc này sẽ được hạn chế hết mức có thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn