MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nghệ và nguồn nhân lực phù hợp là 2 yếu tố quyết định tăng trưởng dài hạn, chìa khóa để Việt Nam đột phá, thoát bẫy thu nhập trung bình. Ảnh: Anh Kiệt

Để Việt Nam vượt "bẫy" thu nhập trung bình

Đức Mạnh LDO | 28/02/2024 10:23

Để vươn lên từ mức thu nhập trung bình cao đến mức thu nhập cao vào năm 2045, tránh được "bẫy" thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển bền vững trong hai thập niên tới, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu để tăng năng suất.

Nhiều biểu hiện của "bẫy" thu nhập trung bình xuất hiện

Theo GS. Kenichi Ohmo - Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, có rất nhiều biểu hiện về bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng đang chậm lại ở mức thu nhập trung bình; thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao; năng suất lao động và chỉ số TFP ở mức trung bình; phụ thuộc nhiều vào FDI và tham gia chưa sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

"Đầu những năm 2000, năng suất lao động của khu vực FDI giảm đáng kể. Điều này là do sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động đơn giản (may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử...) thay vì cơ khí, khai thác mỏ hoặc công nghệ thông tin.

Nhiều doanh nghiệp FDI coi Việt Nam là nơi thực hiện các quy trình đơn giản hơn là thiết kế, sản xuất công nghệ cao. Họ hài lòng với lao động tay nghề thấp giá rẻ" - GS Kenichi Ohmo nói với Lao Động.

GS Trần Văn Thọ - Đại học Weseda Nhật Bản - cho biết, khi dính phải bẫy thu nhập trung bình, quốc gia sẽ rơi vào vị trí của bánh sandwich, vừa không cạnh tranh được với các nước đi sau vừa không có các ngành mới để cạnh tranh với các nước đi trước.

Ông nhấn mạnh để tránh bẫy thu nhập trung bình, những nước ở điểm chuyển đổi cần các chính sách công nghiệp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực có giá trị gia tăng cao, và nỗ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam cũng như trên thế giới đang tìm cách thích nghi với những thay đổi về thị trường lao động và cả người lao động. Thay đổi về địa chính trị và môi trường hiện đang tác động đến xu hướng của thị trường này, trong đó phải kể đến sự đổi mới về công nghệ. Do đó Việt Nam cần tìm ra những động lực mới để tăng năng suất lao động.

Đây là những yếu tố then chốt đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để bắt kịp các nước trong khu vực" - ông Felix Weidencaff - Chuyên gia về việc làm, Văn phòng tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực châu Á Thái Bình Dương - đặt vấn đề.

Không ngừng cải thiện năng suất lao động

Tăng trưởng đều đặn, liên tục trong năng suất lao động là yếu tố quan trọng để mỗi quốc gia tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình. GS. Trần Văn Thọ đánh giá tăng năng suất còn được thúc đẩy bởi tính sáng tạo trong mỗi doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất kinh doanh, từ đó làm tăng quy mô sản xuất, tận dụng hiệu quả công nghệ và sản sinh lợi nhuận hiệu quả hơn.

GS. Kenichi Ohmo khuyến nghị Việt Nam cần học hỏi cách xây dựng chính sách một cách nghiêm túc để nâng cao năng lực chính sách, tích cực thúc đẩy công nghệ và đổi mới. Kinh nghiệm quốc tế cần được thu thập và so sánh.

Điều này có thể được thực hiện thông qua nỗ lực tự thân của Chính phủ, huy động sự tham gia của các chuyên gia hoặc sự hỗ trợ của các cố vấn nước ngoài có trình độ (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore… đã làm trước đây).

"Tại Nhật Bản, Singapore có một bộ phận làm chính sách và bộ phận khác đóng vai trò thực thi. Sau đó Chính phủ sẽ tiếp tục thành lập những đơn vị mới để tiếp tục làm thực thi chính sách khác" - ông Kenichi Ohmo cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn