MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ TNGT nghiêm trọng ngày 26.7.2020 tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình . Ảnh: GT

Đề xuất 8 giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông

Đặng Tiến LDO | 09/04/2022 08:00

Theo Nghị quyết 48/2022 của Chính phủ yêu cầu tăng cường các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Các chuyên gia cho rằng, ngoài tuyên truyền giáo dục về TTATGT phải gắn với tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

Tai nạn giao thông giảm

Nghị quyết do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký nêu rõ, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 12, hằng năm TNGT tiếp tục giảm sâu ở cả 3 tiêu chí. Năm 2019, số người chết do TNGT là hơn 7.600 thì đến năm 2020 đã giảm xuống còn 6.700 người. Năm 2021 số người chết do TNGT tiếp tục giảm xuống còn gần 5.800 người. Ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn từng bước được kiềm chế.

TNGT tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Số người thương vong do TNGT vẫn còn ở mức cao; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị tuy đã được kiềm chế nhưng chưa bền vững.

Nhằm tiếp tục giảm TNGT mỗi năm từ 5% - 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do TNGT so với năm 2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng… Đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn...

Trong đó, Chính phủ yêu cầu phải kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.

Xử lý vi phạm phải thường xuyên, liên tục không theo phong trào

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia - cho rằng, Nghị quyết 48 đã nêu rất rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của từng bộ, ngành và địa phương phải xây kế hoạch thực hiện cụ thể. Trong kế hoạch phải chi tiết từng công việc và nguồn lực phải huy động theo chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của từng địa phương để thực hiện. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình Ủy ban ATGT Quốc gia thường xuyên theo dõi, đôn đốc cũng như tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thực hiện theo đúng lộ trình nghị quyết đã xây dựng, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Đại diện Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng việc phối hợp cùng các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức tuyên truyền là 1 trong 8 nhóm về tuyên truyền và xây dựng văn hoá giao thông để kéo giảm TNGT, bảo đảm ATGT. Do đó, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để xây dựng hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, tái cơ cấu vận tải để giảm phụ thuộc vào vận tải đường bộ… để điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương.

Song theo nhiều ý kiến, hoạt động tuyên truyền luôn luôn phải gắn với tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nếu chúng ta chỉ tuyên truyền không, hay chỉ làm tốt hạ tầng mà không xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì chỉ là “nước đổ lá khoai”. 

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh cho hay, trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc đi lại của người dân bị hạn chế do đó TNGT giảm sâu. 

Theo ông Thanh, chúng ta đã có đầy đủ các văn bản, quy phạm pháp luật để xử lý các vi phạm về TTATGT. Do đó, cần phải quyết liệt, nghiêm minh trong việc xử lý các các hành vi vi phạm TTATGT. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn