MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện Bình Chánh đặt mục tiêu lên thành phố năm 2025. Ảnh: Hữu Chánh

Đề xuất các huyện lên thành phố ở TPHCM, không nên chạy theo phong trào

MINH QUÂN LDO | 01/10/2023 19:32

Chuyên gia đề xuất TPHCM thành lập thành phố phía Nam (huyện Nhà Bè và Quận 7), thành phố phía Tây (huyện Bình Chánh) đến năm 2026 và sau năm 2030 thành lập thêm hai thành phố Củ Chi và Cần Giờ. Nếu theo đề xuất này, TPHCM sẽ có 5 thành phố trực thuộc. Trước đó, thành phố Thủ Đức đã thành lập năm 2021.

5 huyện đều muốn lên thành phố

Như Lao Động đã đưa tin, trong báo cáo tư vấn “TPHCM hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” vừa được Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM gửi UBND TPHCM, các chuyên gia đề xuất các huyện ở TPHCM nên đi theo hướng không chuyển thành quận, mà khi đủ điều kiện sẽ tổ chức thành các thành phố trực thuộc TPHCM.

Trước mắt, từ nay đến đầu năm 2026, cần nghiên cứu tổ chức thêm 2 thành phố mới trực thuộc TPHCM. Cụ thể, thành phố phía Nam lấy 2 địa bàn chính là huyện Nhà Bè và Quận 7 (có điều chỉnh thêm 1 phường của Quận 8 và 1 xã của huyện Bình Chánh dựa theo ranh giới tự nhiên về sông và kênh). Thành phố phía Tây lấy địa bàn chính là huyện Bình Chánh (có thể bao gồm một phần của quận Bình Tân).

Sau năm 2030, có thể chuyển huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ thành 2 thành phố trực thuộc TPHCM.

Huyện Cần Giờ định hướng trở thành thành phố du lịch sinh thái. Ảnh: Hữu Chánh

Trước đó, tại hội nghị báo cáo đầu kỳ về điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, liên danh tư vấn đã đưa ra đề xuất định hướng phát triển không gian tổng thể của TPHCM theo 3 phân vùng gồm: Vùng trung tâm đô thị lịch sử, vùng trung tâm đô thị mở rộng, và các thành phố trong thành phố.

Theo đó, ngoài thành phố Thủ Đức đã hình thành, sẽ có thêm 3 thành phố gồm: Nam Sài Gòn, Củ Chi và Cần Giờ.

Cụ thể, thành phố Nam Sài Gòn sẽ là đô thị công nghệ và sinh thái nước, trọng tâm là đô thị sáng tạo, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí. Thành phố Cần Giờ là thành phố du lịch sinh thái, trung tâm kinh tế biển. Thành phố Củ Chi là đô thị dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đào tạo công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh thái môi trường.

Trong khi đó, huyện Bình Chánh mới đây đã tổ chức hội thảo về đề án đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh lên quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030. Ông Trần Văn Nam - Bí thư Huyện ủy Bình Chánh – cho rằng địa phương không đạt các tiêu chí lên quận nên xác định Bình Chánh chuyển đổi sang mô hình thành phố thuộc TPHCM vào năm 2025. Đây sẽ là thành phố phức hợp về nhiều mặt như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục...

Tương tự, huyện Hóc Môn cũng đã điều chỉnh định hướng từ lên quận sang thành phố.

Rút kinh nghiệm từ thành phố Thủ Đức

Trước đó, năm 2021, TPHCM sáp nhập 3 quận phía Đông là Quận 9, 2 và Thủ Đức để thành lập thành phố Thủ Đức - mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên cả nước.

Song đến nay sau gần 3 năm thành lập, viễn cảnh về một thành phố Thủ Đức sáng tạo, là nơi đáng sống, đáng đến để đầu tư, đổi mới, đóng góp lớn cho ngân sách TPHCM và cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vẫn chỉ là "giấc mơ".

Thành phố Thủ Đức sau gần 3 năm thành lập chưa có nhiều đột phá. Ảnh: Anh Tú

Trao đổi với Lao Động, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – chuyên về quy hoạch đô thị nhận xét, sau gần 3 năm thành lập, thành phố Thủ Đức chưa đạt được thành tựu đáng kể nào. Trong khi đó, người dân không thấy được nhiều lợi ích mà ngược lại, nhiều thủ tục hành chính, giấy tờ còn phiền hà hơn.

Do đó, trước khi nhân rộng để thành lập các thành phố phía Tây – Nam – Bắc, TPHCM nên tập trung làm cho thành phố Thủ Đức thành công trước. “Thành công theo nghĩa 3 quận hợp lại thì GRDP của thành phố Thủ Đức phải cao hơn 3 quận đứng riêng” – ông Sơn nói.

Cũng theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, khi thành lập các thành phố mới, TPHCM phải có những đột phá lúc trước không làm được như đột phá về hạ tầng, công ăn việc làm, đời sống người dân tốt hơn. Ngoài ra, cần giải quyết được bài toán cơ chế, đó là lãnh đạo của thành phố trong thành phố phải có quyền hạn cao hơn một chủ tịch quận.

“Từ khi thành lập, mô hình tổ chức và các chức năng, nhiệm vụ của thành phố Thủ Đức về cơ bản vẫn là một đơn vị hành chính cấp huyện của TPHCM. Do đó, vai trò của Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức khá mờ nhạt vì quyền hạn ít” – ông Sơn dẫn chứng.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028, ngày 27.9, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, việc chuyển từ huyện lên thành phố là xu hướng tất yếu nhưng mục tiêu chính phải quan tâm đến đời sống, chất lượng sống của người dân. Chất lượng bao gồm nhiều thứ từ hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, xã hội…

“Lên thành phố phải bằng chất lượng chứ không phải hình thức, không chạy theo phong trào như vậy sẽ rối, không cần thiết, lãng phí nguồn lực ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cần hiểu rõ để đừng lọt vào ý đồ của nhà đầu cơ, lợi ích nhóm. Hệ thống chính trị, cá nhân nào tham gia hoặc tiếp tay vào việc này sẽ bị xử lý nghiêm” – ông Nguyễn Văn Nên nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn