MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án cầu Tăng Long (Thành phố Thủ Đức) dang dở, đội vốn 238 tỉ đồng vì chậm giải phóng mặt bằng. Ảnh: Anh Tú

Đề xuất cho TPHCM thí điểm nhiều cơ chế, chính sách mới: Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng để tăng tốc xây hạ tầng

MINH QUÂN LDO | 17/03/2023 06:24
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó, cho phép TPHCM tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập với các dự án nhóm B. Cơ chế mới được kỳ vọng gỡ "nút thắt" giải phóng mặt bằng để TPHCM tăng tốc xây dựng hạ tầng.

Nhiều dự án "đắp chiếu" vì vướng mặt bằng

Không khó để điểm qua các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM bị chậm triển khai, giãn tiến độ, thậm chí là "đắp chiếu"… mà một trong những nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng kéo dài.

Đơn cử như trên địa bàn TP.Thủ Đức có dự án Vành đai 2, đoạn Phạm Văn Đồng - Gò Dưa (dự án BT) dài 2,75 km đang "đắp chiếu". Dự án tạm ngưng thi công từ tháng 3.2020 đến nay và mới đạt hơn 43% khối lượng thi công, dù động thổ năm 2015 và khởi công từ cuối năm 2017.

Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP.Thủ Đức mới bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đạt 75%. Hiện nhà đầu tư vẫn tạm ngưng thi công do vướng mặt bằng và đang chờ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh dự án, ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, thanh toán đất đối ứng…

Ngoài ra, trên địa bàn TP.Thủ Đức cũng còn nhiều dự án "đắp chiếu" trong nhiều năm qua vì vướng mặt bằng. Chùm 4 dự án cầu lớn là cầu Nam Lý, Tăng Long, Ông Nhiêu và Long Đại với tổng vốn đầu tư gần hơn 2.700 tỉ đồng đáng ra phải hoàn thành cách đây 3-4 năm nhưng giờ vẫn chưa biết khi nào xong.

Trong khi đó, dự án nút giao Mỹ Thủy được kỳ vọng giải quyết bài toán ùn tắc cho khu vực cảng Cát Lái tiến độ cũng chậm chạp do vấn đề giải phóng mặt bằng. Vừa qua, tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1.998 tỉ đồng lên 3.622 tỉ đồng. Tương tự, dự án nâng cấp đường Lương Định Của đã được rào chắn thi công từ 7 năm qua nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành hơn 80%.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện thành phố có nhiều dự án chủ đầu tư khởi công khi chưa có đủ điều kiện mặt bằng nên thi công kiểu "cuốn chiếu", giải phóng mặt bằng đến đâu làm đến đó nên lâm cảnh dang dở, làm được một đoạn lại phải ngưng chờ mặt bằng, gây mất thời gian, tăng thiệt hại.

Linh hoạt giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TPHCM - cho biết, đơn vị xác định hiện nay nhiều tuyến đường ở các khu vực cửa ngõ TPHCM đã quá tải, các tuyến liên kết vùng chưa có, các tuyến cao tốc còn quá ít.

Do đó, mục tiêu từ nay đến hết năm 2025 là phải khơi thông được hạ tầng giao thông ở các cửa ngõ phía Đông, phía Tây TPHCM, khép kín Vành đai 2, hoàn thành Vành đai 3, Vành đai 4, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 50, Quốc lộ 22... Song song đó, đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc từ TPHCM đi Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Đây đều là những tuyến đường huyết mạch góp phần giải quyết ùn tắc giao thông ở TPHCM, kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các khu vực lân cận. Ông Phúc cũng cho biết, hiện có hai nguyên nhân khiến các dự án bị chậm là nguồn vốn và giải phóng mặt bằng.

Theo dự thảo Nghị quyết, Hội HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, cấp thoát nước, xử lý rác thải theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trong đó, HĐND có quyền quyết định cho phép tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể.

Theo ông Lương Minh Phúc, nếu được thông qua, với các dự án có "bồi thường, hỗ trợ, tái định cư", sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, các quận, huyện tách riêng nội dung "bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" thành dự án độc lập với nguồn vốn riêng để triển khai trước, không chờ đến khi duyệt xong dự án đầu tư xây dựng. Như vậy, dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn