MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
VEC đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM-Long Thành. Ảnh GT

Đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Minh Hạnh LDO | 17/10/2022 21:17
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giao nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trên 14.700 tỉ đồng.

Theo đại diện VEC, dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 6.2016 với chiều dài khoảng 54 km. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10,45%/năm.

Do đó, việc nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn Km0 - Km25+920 là cấp bách để phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho cả vùng Đông Nam Bộ.

Theo khái toán sơ bộ, tổng mức đầu tư mở rộng đoạn tuyến Km4+000 - Km25+920 khoảng hơn 14.786 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Trong đó, chi phí xây dựng ước gần 10.800 tỉ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng gần 800 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác khoảng hơn 1.000 tỉ đồng; chi phí dự phòng hơn 2.100 tỉ đồng.

Theo VEC, việc đầu tư công sẽ có ưu điểm là triển khai ngay được dự án, đẩy nhanh được tiến độ (sử dụng vốn ngân sách nhà nước). Tuy nhiên, việc sử dụng ngân sách nhà nước sẽ làm tăng trần nợ công. Nhà nước lại đang tập trung nguồn lực để thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam và một số dự án trọng điểm khác. Khả năng bố trí ngân sách là rất khó.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhà nước là không khả thi. Bộ Giao thông Vận tải không còn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để bố trí. Do đó, phương án VEC tự đầu tư theo hình thức tự huy động vốn sẽ đảm bảo thời gian triển khai dự án nhanh chóng, đáp ứng tiến độ đưa vào sử dụng từ quý I/2026.

Hơn nữa, VEC đã thực hiện đầu tư và đang khai thác dự án giai đoạn 1, việc thực hiện và khai thác đoạn tuyến mở rộng sẽ tránh được việc xung đột lợi ích.

Phương án này cũng không phải báo cáo Quốc hội về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, rút ngắn được thời gian thực hiện dự án.

VEC đã hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án chủ trương về phương án tái cơ cấu VEC, trong đó kiến nghị tăng vốn điều lệ giai đoạn 2022 - 2025 theo lộ trình trên cơ sở nguồn vốn nhà nước đã đầu tư vào 5 dự án của VEC dự kiến tăng lên hơn 49.562 tỉ đồng đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện đầu tư các dự án. Do đó, VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận được nghiên cứu đầu tư mở rộng dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hình thức tự huy động vốn để thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn