MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất dùng ngân sách tỉnh Bắc Kạn để giải phóng mặt bằng phần đoạn đường đi qua tỉnh Tuyên Quang trong dự án đường từ TP Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang (Tuyên Quang). Ảnh: Công Luận.

Đề xuất dùng ngân sách Bắc Kạn giải phóng mặt bằng đất Tuyên Quang

Nguyễn Tùng LDO | 10/11/2023 11:57

Tuyến đường từ TP Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang (Tuyên Quang) là công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn, tuy nhiên dự án đang gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng do một số quy định về sử dụng ngân sách Nhà nước.

Dự án xây dựng tuyến đường từ TP Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang (Tuyên Quang) do tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư với dài 76,25 km, tổng mức đầu tư 3.837,809 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, năm 2023, dự án sẽ phải giải ngân khoảng 1.000 tỉ đồng (chiếm gần 1/3 tổng vốn đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Kạn trong năm 2023), nhưng đến thời điểm hiện tại công tác này chưa đạt yêu cầu. Riêng đoạn từ hồ Ba Bể sang huyện Na Hang dài trên 37 km đang gặp khó.

Nguyên nhân là gần 8 km đi qua tỉnh Tuyên Quang chưa thể giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư dự án là tỉnh Bắc Kạn nhưng các quy định hiện hành không cho phép dùng ngân sách của tỉnh Bắc Kạn để chi cho giải phóng mặt bằng của tỉnh Tuyên Quang.

Ngày 9.11, tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, ông Hà Sỹ Huân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn - đã được áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới động viên cán bộ, công nhân thi công tuyến đường TP Bắc Kạn - Ba Bể thời điểm 7.2023. Ảnh: VGP

Theo ông Huân, Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Như vậy, đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Bắc Kạn không thể bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện và ngược lại.

"Do đó, việc áp dụng cơ chế đặc thù cho phép HĐND tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang thống nhất sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác để thực hiện dự án là hết sức cần thiết. Đây là cơ chế linh hoạt để có cơ sở thống nhất để bố trí nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án" - ông Huân cho hay.

Trước đó, ngày 2.10.2023, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn về áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai Dự án nói trên. Theo đó, đây cũng là vướng mắc chung của một số dự án liên vùng, dự án giao thông đường bộ qua 2 địa phương do 1 địa phương làm chủ quản dự án.

"Để tháo gỡ vướng mắc trên, Chính phủ đang trình Quốc hội có Nghị quyết cho phép thực hiện, theo hướng HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án thống nhất việc sử dụng ngân sách địa phương này (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nếu có) hỗ trợ địa phương khác để đầu tư dự án.

Do vậy, sau khi được Quốc hội thông qua, tỉnh căn cứ nguồn vốn bố trí cho dự án để tổ chức thực hiện", văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

Ngày 10.11, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Công Hoà - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Kạn - cho biết, đến đầu quý I.2024 sẽ xong được một nửa dự án (đoạn TP Bắc Kạn - hồ Ba Bể), đoạn còn lại đang tiếp tục triển khai và gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng trên phần đất Tuyên Quang.

"Thực tế với 8 km của dự án đi qua Tuyên Quang chi phí giải phóng mặt bằng không nhiều, Chính phủ đang dự kiến bổ sung thêm cho dự án khoảng 1.000 tỉ đồng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi của Trung ương" - ông Hoà cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn