MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đi xe buýt điện tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Quân

Đề xuất giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện

Cẩm Hà LDO | 20/07/2024 09:39

Đại diện các doanh nghiệp vận tải, taxi cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ về mặt tư vấn chính sách và đặc biệt là giúp các doanh nghiệp taxi có thêm nguồn lực khi chuyển đổi sang xe điện.

tín chỉ carbon, doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi

Việc chuyển đổi xe chạy xăng sang xe điện đang là chủ đề được cộng đồng doanh nghiệp vận tải đặc biệt quan tâm. Các ưu thế vượt trội của xe điện được không ít doanh nghiệp taxi quan tâm là bởi xe điện được đánh giá có chi phí bảo dưỡng thấp nên tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng. Các chính sách thuê pin cộng với chi phí tiết kiệm cũng có thể giúp tài xế xe điện có lợi 3 - 4 triệu đồng/tháng so với xe xăng.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp tiên phong sử dụng xe điện còn đang góp công lớn trong nỗ lực thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ. Do đó, các doanh nghiệp này cần sớm được hưởng chính sách hợp lý và chỉ khi doanh nghiệp thấy được chính sách hỗ trợ để kinh doanh có lãi, tiến trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.

Theo ông Phan Thanh Uy - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cần có cơ chế hỗ trợ về mặt tư vấn chính sách, giúp các doanh nghiệp vận tải có niềm tin hơn khi chuyển đổi sang xe điện và có thêm nguồn tài chính khi chuyển đổi. Ông Uy cho rằng, các doanh nghiệp vận tải tới đây đều có hạn ngạch phát thải khí nhà kính, nhưng đến nay văn bản quy định hạn ngạch thế nào, đơn vị nào kiểm định, cấp tín chỉ carbon vẫn chưa được làm rõ.

Nhiều ý kiến cũng cho hay, nếu có hạn ngạch tín chỉ carbon rõ ràng, các doanh nghiệp chuyển đổi taxi điện sau này sẽ được bù trừ, nhận tiền, hay mua bán phần dôi dư hạn ngạch không dùng hết và điều này sẽ thúc đẩy tốc độ chuyển đổi sang xe điện nhanh hơn.

Bộ Giao thông Vận tải cần sớm vào cuộc

Thực tế ngay từ tháng 8.2023, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từng đề xuất lên Chính phủ nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển xe ôtô điện nhằm tiến tới giảm phát thải ra môi trường. Đáng chú ý với đề xuất khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ôtô điện, Bộ GTVT kiến nghị 3 loại xe ôtô điện được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển gồm: Xe ôtô điện chạy pin, ôtô điện sử dụng pin nhiên liệu và ôtô năng lượng mặt trời.

Với xe ôtô điện sản xuất lắp ráp, Bộ GTVT kiến nghị, rà soát, bổ sung các chính sách ưu tiên phát triển xe ôtô điện (đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng) trong các luật liên quan; xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch; sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý pin ôtô điện thải bỏ.

Đáng chú ý, Bộ GTVT đồng thời cũng đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với người sử dụng xe ôtô điện; thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe; ưu tiên phát triển xe ôtô điện tham gia kinh doanh vận tải và ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ôtô điện và trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện.

Tuy nhiên cho đến nay, việc thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là về nguồn vốn vay ưu đãi và các cơ chế tín dụng thông thoáng hơn lại đang là những yếu tố khiến không ít doanh nghiệp e dè.

Theo tìm hiểu của Lao Động ngày 19.7, trong diễn biến mới nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây vừa có ý kiến xung quanh vấn đề chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh taxi chuyển đổi sang xe điện. Trong đó Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi phương tiện kinh doanh đường bộ sang sử dụng năng lượng sạch, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn