MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cà Mau mất đất, mất rừng tương đương 1 xã vì sạt lở bờ biển do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong 10 năm. Ảnh: Nhật Hồ

Đề xuất giải pháp thích ứng - ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

YẾN PHƯƠNG LDO | 12/12/2022 06:29

Việt Nam xếp hạng 23/30 quốc gia chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. 

1 trong 3 vùng nguy cơ ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới

Đề cập về phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH, bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng, Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) - cho biết, hiện nay BĐKH tác động tới đô thị Việt Nam theo 2 nhóm: Có 28 tỉnh ven biển (khoảng 300 đô thị) chịu nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn; 12 tỉnh miền núi, cao nguyên (khoảng 150 đô thị) chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, suy giảm nguồn nước ngầm.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có tổng 888 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 41,5% (2022). Riêng khu vực ĐBSCL hiện có 205 đô thị, trong đó có 3 đô thị loại I, 13 đô thị loại II, 8 đô thị loại III, 27 đô thị loại IV, 154 đô thị loại V.

Dự báo giai đoạn 2021 - 2025 vùng ĐBSCL có trên 250 đô thị; tỉ lệ đô thị hoá năm 2025 đạt khoảng 35-36%, năm 2030 đạt khoảng 42-48%.

Về quy hoạch vùng ĐBSCL, có thể phân vùng các khu vực chịu ảnh hưởng ngập lụt thành 4 khu vực gồm: Khu vực 1 - Ngập sâu trung bình từ 2m (Long An, Đồng Tháp, An Giang); Khu vực 2 - Ngập sâu trung bình từ 1m - 2m (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ); Khu vực 3 - Ngập nông do tác động của cả lũ và triều cường (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang); Khu vực 4 - Ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều.

Các phương hướng xây dựng hệ thống đô thị được đề ra đối với khu vực 1 và 2 là hạn chế phát triển đô thị và hạn chế san lấp mặt bằng quy mô diện tích lớn; phát triển đô thị theo tuyến song song với hướng thoát lũ. Với khu vực 3: Phát triển đô thị quy mô diện tích lớn; tập trung theo hình thái đô thị nén; dành quỹ đất cần thiết để đào hồ, kết nối kênh rạch; xây dựng mới, cải tạo và vận hành tốt các tuyến đê ngăn triều ở các cửa sông. Riêng khu vực 4 phát triển đô thị tại các khu vực đất giồng, bãi bồi cao ở ven sông, ven biển.

Còn với các khu vực xây dựng với mật độ cao, dùng phương pháp san đắp tập trung toàn bộ khu vực xây dựng, giải pháp đê bao chống lũ hoặc kết hợp cả hai giải pháp. Đối với khu vực xây dựng với mật độ thấp, cần san đắp cục bộ, tập trung theo vị trí công trình, dành quỹ đất còn lại trong từng khu chức năng để đào hồ, kết nối kênh rạch, khuyến khích phát triển các loại công trình, mô hình ở thích nghi với lũ.

Ba giải pháp

Theo Phó Cục trưởng, Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Thị Lan Anh, Việt Nam xếp hạng 23/30 quốc gia chịu tác động mạnh từ BĐKH. Trong đó, khu vực ĐBSCL được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5-1,0m vào cuối thế kỉ 21, dự báo khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng ĐBSCL có nguy cơ chịu ảnh hưởng.

Toàn bộ 13 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL đều có nguy cơ ngập, trong đó những tỉnh nguy cơ ngập cao gồm: Kiên Giang và Hậu Giang (80%), Bạc Liêu và Cà Mau (40-50%), Sóc Trăng (25-30%). Một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như: TP.Rạch Giá, TX.Hà Tiên, TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy, TP.Cà Mau, TX.Gò Công, TP.Sóc Trăng, TP.Cần Thơ.

Bà Trần Thị Lan Anh đã đề ra nhiều giải pháp quy hoạch đô thị để thích ứng - ứng phó với BĐKH vùng ĐBSCL. Trong đó gồm có giải pháp quy hoạch, giải pháp công trình và giải pháp phi công trình.

Cụ thể, giải pháp quy hoạch gồm: Chọn đất xây dựng, quản lý cao độ; Xây dựng công trình, hệ thống thoát nước; Các biện pháp phải song hành cùng công tác quy hoạch xây dựng. Giải pháp công trình gồm: Xây dựng các hồ chứa nước đa tác dụng; Khai thông các đường thoát lũ, đường dẫn lũ. Giải pháp phi công trình gồm: Dự báo và cảnh báo lũ; Quản lý dân cư; Quy hoạch các điểm tại định cư.

Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị cần có tính kế thừa, tính dự báo, phân vùng phát triển đô thị - điểm dân cư nông thôn gắn với vùng ngập, đặt trong tâm bảo tồn hệ sinh thái, đặc thù định cư và dân cư (đô thị và nông thôn) theo sông nước, quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp, du lịch - dịch vụ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn