MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt nhanh chôn chân trên đường do ùn tắc giao thông ngày 30.11. Ảnh: T.T

Đề xuất Hà Nội mở thêm 14 làn đường dành riêng cho xe buýt: Bài học giao thông hỗn loạn trên tuyến đường BRT

Phạm Đông- Kim Anh LDO | 01/12/2020 12:01

Khi đề xuất triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt tại Hà Nội được đưa ra, nhiều người dân lại thêm lo lắng khi nhìn từ tuyến đường BRT đầu tiên của Thủ đô. Tuyến xe buýt nhanh này được sử dụng phần đường cũ (tuyến đường vốn đã nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc), từ khi có BRT thì việc ùn tắc trên tuyến đường này càng trở nên trầm trọng khiến người tham gia giao thông khốn khổ vì một bên thì ùn ứ, một bên thì lại quá thông thoáng.

Hành khách ít, 60 phút cho quãng đường gần 15km

Mới đây, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đã có văn bản kiến nghị UBND và Sở GTVT TP.Hà Nội ưu tiên triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt. Ngay khi đề xuất này được đưa ra, người dân Hà Nội cho rằng, nếu nhìn vào điều kiện hạ tầng, mật độ phương tiện giao thông hiện nay của Hà Nội thì đề xuất này không khả thi.

Theo nhiều ý kiến, sự thất bại của tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa khi sử dụng phần đường cũ, nhỏ hẹp trên tuyến đường vốn đã tắc là bài học nhãn tiền.

6h55 sáng 30.11, PV Lao Động có hành trình di chuyển trên tuyến xe buýt nhanh BRT 01 xuất phát từ nhà chờ Ba La (Hà Đông) đến điểm cuối nhà chờ Kim Mã (Ba Đình). Tuyến xe buýt nhanh này đi trên một làn đường riêng có tổng chiều dài là 14,7km, rộng 3,5m. Giá vé của suốt hành trình di chuyển được bán tại nhà chờ có giá 7.000 đồng. Tại khung giờ cao điểm này, số lượng hành khách có trên xe khi xuất bến vào khoảng 20 người (trong khi xe có thể chở 90 người).

Suốt hành trình di chuyển, số lượng hành khách từ các nhà chờ có nhu cầu sử dụng xe buýt nhanh chỉ từ 2-5 người/chặng. Còn những nhà chờ đông nhất thì khách lên xe cũng không quá 10 người (nhà chờ An Hưng). Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, nhiều đoạn nhà chờ thậm chí còn không có hành khách lên xe như nhà chờ Dương Nội, Thành Công, Núi Trúc… Do đó, thời điểm hành khách đông nhất, trên xe cũng chỉ khoảng 30 người.

Bên cạnh làn đường BRT, theo quan sát của PV, có rất đông các loại phương tiện giao thông khác như xe máy, xe ôtô cá nhân và các phương tiện khác chỉ được di chuyển trên các làn đường còn lại đã khiến các tuyến đường Quang Trung - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ trở nên ùn tắc nghiêm trọng. Mật độ người dân tham gia giao thông đông đúc, các loại phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút một khiến nhiều xe đã tràn sang làn đường riêng của xe BRT.

Đặc biệt, trên tuyến đường Lê Văn Lương mặc dù chỉ kéo dài 2km nhưng phải mất 25 phút xe buýt nhanh mới đi hết được tuyến đường này do quá ùn tắc giao thông. Đến 7h58 cùng ngày, chiếc xe mới di chuyển đến điểm cuối cùng là nhà chờ Kim Mã. Như vậy, tổng hành trình di chuyển của 14,7km trong giờ cao điểm hết 63 phút.

Cùng thời điểm trên (6h55), khi di chuyển bằng phương tiện xe máy từ Yên Nghĩa đến nhà chờ Kim Mã song song với làn đường BRT, một phóng viên khác của chúng tôi chỉ mất thời gian khoảng 40 phút. Trong khoảng thời gian này, do đường quá ùn tắc nhiều phương tiện đã đi cả vào làn đường dành riêng cho BRT.

Làm BRT theo kiểu chắp vá, tận dụng khiến cho giao thông thêm hỗn loạn

Bày tỏ quan điểm về làn đường xe buýt nhanh BRT, anh Lê Văn Hưng (40 tuổi, cư dân sống tại tòa nhà N02D Lê Văn Lương) cho hay, trục đường giao thông Lê Văn Lương - Tố Hữu người tham gia giao thông tương đối lớn, riêng xe buýt BRT có 1 làn đường và nếu phương tiện khác đi vào sẽ bị phạt nên gây khó khăn rất nhiều cho người dân tham gia giao thông. Theo ông Hưng, trước đây khi chưa có làn đường dành cho tuyến xe BRT, giao thông đi lại có phần đỡ tắc hơn so với hiện nay.

“Việc dành riêng 1 làn đường BRT gây ra lãng phí và không mang lại hiệu quả bởi lượng người tham gia giao thông đông trong khi người sử dụng xe BRT không phải là nhiều” - ông Hưng nói thêm.

Còn anh Vũ Trọng Thắng (37 tuổi), chủ cửa hàng xe ôtô trên đường Lê Văn Lương, gần nút giao Hoàng Minh Giám cho biết, mặc dù đường dành riêng cho xe buýt nhưng do quá ùn tắc nên các phương tiện xe máy đi lại vào làn BRT vẫn rất nhiều, đặc biệt, vào những giờ cao điểm.

Tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động từ 1.1.2017, tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỉ đồng). Hợp phần BRT đã được phê duyệt và triển khai với chiều dài 14,7km từ bến xe Kim Mã qua Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài-trục phía bắc Hà Đông - Lê Trọng Tấn - Trần Phú - Ba La - bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Giá mỗi chiếc xe buýt hơn 5 tỉ đồng. Trung tâm điều hành giao thông được xây dựng tại khu vực bến xe Kim Mã.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn