MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trên đỉnh núi Bài Thơ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Đề xuất loại núi Bài Thơ ra khỏi danh sách sản phẩm du lịch 2023

Nguyễn Hùng LDO | 26/07/2023 16:27

Quảng Ninh - Do khó khăn trong việc triển khai bởi vướng nhiều thủ tục, quy trình, nên một trong những sản phẩm du lịch được du khách trông đợi nhất năm 2023 của Quảng Ninh là trải nghiệm leo núi Bài Thơ đã được đề xuất đưa ra khỏi danh sách.

Theo kế hoạch, năm 2023, Quảng Ninh sẽ có thêm 38 sản phẩm du lịch mới để phục vụ du khách, trong đó có sản phẩm trải nghiệm leo núi Bài Thơ.

Tuy nhiên, theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm hiện tại mới có khoảng 20 sản phẩm được đưa vào hoạt động; số còn lại đang vướng mắc rất nhiều thủ tục, không thể hoàn thành trong năm nay, thậm chí những năm tiếp theo.

Điều đáng nói, hầu hết những sản phẩm chậm tiến độ hoặc khó có thể đưa vào phục vụ du khách theo kế hoạch đều là những sản phẩm được du khách chờ đợi và có ý kiến từ nhiều năm qua.

Du khách quốc tế vượt rào leo lên núi Bài Thơ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trong số này có sản phẩm trải nghiệm leo núi Bài Thơ – một ngọn núi nằm giữa trung tâm Hạ Long, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa và là điểm ngắm vịnh Hạ Long, TP Hạ Long ưa thích của du khách trong và ngoài nước.

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, do vướng nhiều thủ tục, quy định nên tiến độ rất chậm và kế hoạch đưa vào khai thác trong năm nay là không khả thi nên TP Hạ Long có báo cáo đề xuất đưa sản phẩm trải nghiệm leo núi Bài Thơ ra khỏi danh sách các sản phẩm dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023.

Được biết, trước đó, UBND TP Hạ Long đã xây dựng phương án đầu tư nâng cấp, tôn tạo các di tích và cải tạo đường lên núi Bài Thơ để mở cửa danh thắng đặc biệt này phục vụ du khách và nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì được biết, đây là di tích cấp quốc gia nên việc đầu tư (ở mức độ nhỏ) sẽ phải do UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện.

Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1140-QĐ/BT ngày 31.8.1992 của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Khu di tích bao gồm: Trung tâm Điện chính bưu điện Quảng Ninh trên núi Bài Thơ; núi Bài Thơ; chùa Long Tiên và Đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn.

Hiện nay, các công trình trên núi Bài Thơ đang bị xuống cấp, lối lên xuống nhỏ hẹp, phải đi qua cửa nhà các hộ dân; một số điểm lên núi khó đi, là đường mòn hoặc đá, không có lan can gây mất an toàn; hệ thống điện, nước không có; nhiều công trình được phục dựng giờ đã hoang tàn… Núi bị tạm đóng cửa từ năm 2017 sau một vụ cháy rừng trên núi.

Dù vậy, du khách, nhất là khách quốc tế vẫn tìm cách vượt hàng rào thép gai để leo lên đỉnh núi Bài Thơ.

Ngoài sản phẩm trải nghiệm leo núi Bài Thơ, các sản phẩm du lịch khác liên quan đến vịnh Hạ Long, Bái Tử Long cũng khó có thể đưa vào hoạt động trong năm nay, vì vướng rất nhiều các quy định, thủ tục.

Ông Trịnh Đăng Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh – cho biết, do liên quan đến Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các quy định về giao đất, giao rừng, mặt nước nên tiến độ rất chậm.

Cũng theo ông Thanh, sản phẩm nào cũng được đưa ra lấy ý kiến của tất cả các sở, ngành, đơn vị liên quan. Chưa kể, có một số sản phẩm, các sở cho ý kiến rồi, sau đó về lại phải lấy thêm ý kiến của các đơn vị trực thuộc.

Tại cuộc họp mới đây về đánh giá việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan cần vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc; tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm sớm đưa các sản phẩm du lịch đã đăng ký vào phục vụ du khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn