MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt thường bị mắc kẹt trong dòng xe trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Minh Quân

Đề xuất mở 5 tuyến xe buýt điện trợ giá ở TPHCM

MINH QUÂN LDO | 28/09/2020 18:27

5 tuyến xe buýt điện trợ giá loại 65 đến 70 chỗ với giá vé từ 3.000 – 7.000 đồng, vừa được Sở GTVT TPHCM đề xuất triển khai thí điểm.

Sở GTVT TPHCM vừa kiến nghị UBND TPHCM cho Tập đoàn Vingroup – Công ty CP thí điểm triển khai 5 tuyến xe buýt điện có trợ giá trên địa bàn thành phố.

5 tuyến dự kiến triển khai gồm: Tuyến VB01 (VinHome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart) dài 27km; tuyến VB02 (VinHome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất) dài 30km; tuyến VB03 (VinHome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) dài 29km; tuyến VB04 (VinHome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới dài 8,5km; tuyến VB05 (Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc Gia ) dài 10km.

Phương tiện sử dụng là loại xe điện có sức chứa từ 65 – 70 chỗ (đứng và ngồi), dự kiến đầu tư 77 xe.

Về giá vé, tuyến VB01, VB02, VB03 là 7.000 đồng/khách thường và 3.000 đồng/học sinh, sinh viên; vé tháng là 157.500 đồng/tập 30 vé.

Đối với các tuyến VB04, VB05 giá vé là 5.000 đồng/khách thường và 3.000 đồng/lượt học sinh, sinh viên; vé tháng là 112.500 đồng/tập 30 vé.

Sở GTVT TPHCM đánh giá, các tuyến này hoạt động trên những tuyến đường chưa có xe buýt, kết nối được nhiều khu dân cư mới và các điểm thu hút hành khách ở phía Đông thành phố chưa có xe buýt như: như: Khu đô thị VinHome Grand Park, khu dân cư Phước Thiện, khu dân cư Khang Điền, Khu Công nghệ cao, Trường Đại học FPT,…

Do đó, việc tổ chức 5 tuyến xe buýt điện nêu trên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các tuyến xe buýt hiện hữu mà giúp tăng tính kết nối và mở rộng khả năng phục vụ của mạng lưới tuyến xe buýt.

Từ đó, Sở GTVT TPHCM đề xuất UBND TPHCM chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup – Công ty CP triển khai thí điểm 5 tuyến xe buýt điện có trợ giá trong thời gian 12 tháng kể từ ngày chính thức đưa vào hoạt động.

Với tỉ lệ trợ giá bằng 44,1% chi phí hoạt động, dự kiến TPHCM sẽ chi khoảng 53,5 tỉ đồng cho 5 tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm. Sau thời gian thí điểm nếu dừng không cho phép tiếp tục hoạt động loại hình xe buýt điện này thì chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy định và tự bỏ chi phí đầu tư, xây dựng, lắp đặt bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng để bảo đảm phục vụ hoạt động ổn định của các tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm.

Tính đến nay, tổng số đầu xe buýt đang hoạt động của TPHCM khoảng 2.335 xe trên 128 tuyến (gồm 91 có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá) và mới đáp ứng được 9,7% nhu cầu đi lại của người dân.

Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và cách ly xã hội, khách đi xe buýt ở TPHCM giảm 41% so với cùng kỳ. Xe buýt năm nay chỉ đáp ứng 4,5% nhu cầu đi lại của người dân TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn