MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
LĐLĐ Bình Dương trao hỗ trợ cho người lao động khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Hoàng Trung

Đề xuất nới điều kiện nhận hỗ trợ với doanh nghiệp và người lao động

ANH THƯ LDO | 17/07/2020 08:48
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có đề xuất mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng là giáo viên tư thục bị ngừng việc và nới điều kiện cho DN vay trả lương ngừng việc cho NLĐ.

Ngành lao động chịu trách nhiệm về gói an sinh

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 lĩnh vực lao động (LĐ), người có công và xã hội ngày 16.7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, đến ngày 13.7, báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam cho thấy đã thực hiện giải ngân 11.593,816 tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 11.539.858 người và 9.425 hộ kinh doanh. Trong đó, đối tượng là người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ 11.256.237 người với kinh phí là 11.295,187 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, NLĐ đã được hỗ trợ 283.621 người với kinh khí là 289,204 tỉ đồng. Trong đó, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không lương tại DN là 24.044 người; NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 19.684 người; NLĐ không có giao kết hợp đồng bị mất việc 239.893 người.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 30.6, có 1.519 đơn vị sử dụng LĐ được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 138.076 NLĐ với tổng kinh phí gần 475,33 tỉ đồng. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đối với việc hỗ trợ NLĐ và hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng, về cơ bản đảm bảo đúng đối tượng, mục đích, yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định: “Ngành LĐTBXH chịu trách nhiệm về gói an sinh. Vừa qua, các địa phương làm tương đối tốt, nhưng còn nhiều tỉnh chi trả chậm. Với các nhóm đối tượng thụ hưởng, đề nghị địa phương tập trung giải quyết dứt điểm”.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, riêng gói hỗ trợ DN vay vốn trả lương cho NLĐ phải nới các điều kiện thụ hưởng theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay là cần thiết, giảm bớt thủ tục chứng minh tình hình tài chính để giúp DN vay vốn trả lương ngừng việc cho NLĐ. Bộ sẽ trình Chính phủ đề xuất để DN tiếp tục tiếp cận gói vay đến hết năm 2020.

Đề xuất mở rộng đối tượng

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho hay, bộ có đề xuất mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ là giáo viên tư thục. Bộ đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị cung cấp số liệu về giáo viên tư thục cũng như đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với đối tượng này. Mặc dù đang chờ số liệu chính thức từ Bộ GDĐT, song qua tính toán của Bộ LĐTBXH, khoảng trên 30.000-50.000 giáo viên tư thục các cấp bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH đang đề xuất vấn đề liên quan đến việc cho DN vay vốn trả lương cho NLĐ ngừng việc. Nếu như trước đây, DN không có nguồn thu hoặc không có tài chính trả lương cho NLĐ mới đủ điều kiện được vay. Thì hiện nay, bộ đề xuất điều chỉnh điều kiện vay là doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019.

“Trước đây, quy định thời gian NLĐ ngừng việc là tháng 4-6.2020. Do dự đoán 6 tháng cuối năm cũng nhiều DN gặp khó khăn, bộ đề xuất nới thời gian từ tháng 4-12.2020. Về đối tượng, mức vay không thay đổi nhưng thời gian được vay thay đổi” - ông Quân thông tin.

Về việc nới các điều kiện này, liệu DN sẽ tiếp cận gói hỗ trợ nhiều hơn hay không, ông Quân cho rằng, thực tế DN lựa chọn gói hỗ trợ này không nhiều. Nếu vay trả lương thì các DN đã có gói vay thương mại. Gói vay này giúp DN trả lương cho NLĐ trong thời gian ngừng việc để họ giữ chân NLĐ, khuyến khích không sa thải nhân viên. Thực tế, nhiều DN chỉ giữ LĐ có kỹ năng, đào tạo và qua tuyển dụng. Bên cạnh đó, DN chỉ cầm cự dừng việc của NLĐ được vài tháng, sau đó đối tượng là LĐ phổ thông dễ bị chấm dứt HĐLĐ.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho hay, bộ dự kiến kịch bản của 3 nhóm: Thứ nhất, nếu DN khó khăn quá thì cho NLĐ nghỉ việc. Ở nhóm này, NLĐ được hỗ trợ bởi chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Thứ 2, DN tạm thời chưa có việc nhưng muốn giữ chân NLĐ bằng cách cho họ ngừng việc. Điều này giúp DN tránh được việc phải tuyển dụng, đào tạo lại. Thứ 3, nhân sự chủ chốt thì được DN trả lương và LĐ bình thường.

Ông Quân nói rằng: “Chính sách của mình có mấy lớp an sinh, NLĐ rơi vào lưới nào áp dụng lưới hỗ trợ đó. Tuy nhiên, có DN vi phạm luật pháp về LĐ nên nhiều NLĐ không nằm trong lưới hỗ trợ nào”.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, thực tế, có nhóm NLĐ bị ngừng việc, không được trả lương, nhưng cũng không được DN làm thủ tục vay trả lương cho NLĐ ngừng việc. Như vậy, NLĐ không thuộc nhóm hỗ trợ nào, cũng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Về nhóm này, bộ đã yêu cầu các địa phương rà soát.

Quảng Trị: Sẽ hoàn thành việc hỗ trợ trong tháng 7

Ngày 16.7, ông Phan Văn Linh - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị - cho biết, hiện tỉnh chưa hoàn tất việc hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, số lượng các đối tượng đã được lên danh sách đầy đủ. Toàn tỉnh Quảng Trị có 147.193 người hoặc hộ kinh doanh được hưởng chính sách với số tiền đã chi 145,7 tỉ đồng. “Chúng tôi đặt mục tiêu đến hết tháng 7 này, việc giải ngân hỗ trợ cho các đối tượng sẽ thực hiện hoàn tất” - ông Linh nói. HƯNG THƠ

Đà Nẵng: Đã xử lý 13.011 hồ sơ của các đối tượng lao động

Tại Đà Nẵng, nhóm đối tượng NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, HĐLV nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, theo tình hình thực tế khảo sát, Đà Nẵng có khoảng 24.000 người.

Tính đến ngày 15.7, Phòng Việc làm, Sở LĐTBXH Đà Nẵng cho hay, đã tiếp nhận và xử lý 13.011 hồ sơ của các đối tượng LĐ. Trong đó, có 687 NLĐ tạm hoãn HĐLĐ hoặc nghỉ không hưởng lương của 16 DN và hơn 12.000 NLĐ chấm dứt HĐLĐ, HĐLV không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.Thuỳ Trang

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn