MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình xe máy điện cộng đồng được triển khai thí điểm tại một trường đại học ở Bình Dương. Ảnh: MINH QUÂN

Đề xuất sử dụng 50.000 xe máy điện công cộng tại TPHCM: Dân sẽ bỏ xe máy để thuê xe máy điện?

MINH QUÂN LDO | 20/12/2017 10:34

Sở GTVT TPHCM vừa kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương cho thí điểm sử dụng 1.000 xe máy điện công cộng trên địa bàn quận 1 (TPHCM) và mở rộng ra toàn thành phố với 50.000 xe sau 3 năm. Mô hình này được kỳ vọng sẽ kết nối với các phương tiện giao thông công cộng cỡ lớn như xe buýt và trong tương lai là các tuyến metro. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu kỹ, vì với số lượng xe lớn như vậy sẽ khiến giao thông thành phố ngày càng ùn tắc.

Tăng 50.000 xe máy điện sau 3 năm

Theo đề xuất, dịch vụ cho thuê xe máy điện trong khu vực quận 1 trong thời gian 6 tháng, với 1.000 xe. Dự án này do công ty TNHH Công nghệ IOT Thông minh Việt Nam đề xuất. Người dùng sẽ cài đặt ứng dụng Vimotor trên thiết bị điện thoại thông minh, sau đó tìm và xác định vị trí điểm cung cấp xe gắn máy điện gần nhất, quét mã để mở khóa và sử dụng xe. Xe có chức năng khóa xe tạm thời trong trường hợp người dùng chưa muốn kết thúc chuyến đi. Sau khi hoàn thành chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng chỗ quy định (các điểm đỗ xe được công bố) để khóa xe và hoàn tất việc thanh toán thông qua ứng dụng. Việc thanh toán được thực hiện theo hình thức nạp tiền vào tài khoản sau đó trừ dần.

Cước phí cho thuê dịch vụ khởi điểm là 3.000 đồng cho 10 phút đầu tiên, mỗi 5 phút tiếp theo là 1.500 đồng. Thời gian trung bình cho một lần sử dụng khoảng 15-20 phút, tương đương khoảng 4.500-6.000 đồng/lượt. Dự kiến sẽ miễn phí hoàn toàn cho người dân sử dụng từ 1-3 tháng tùy tình hình để khuyến khích người dân sử dụng.

Trong giai đoạn thí điểm tại khu vực quận 1, Công ty dự kiến đầu tư 1.000 xe gắn máy điện bố trí tại 74 vị trí trên vỉa hè. Mỗi vị trí rộng khoảng 6-10m2, bố trí từ 12-20 xe. Mỗi vị trí cách nhau 200-300m. Các điểm bố trí xe điện được đặt gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, điểm đầu cuối tuyến xe buýt tạo điều kiện cho hành khách sử dụng xe buýt từ nhà đến điểm dừng xe buýt và từ điểm dừng xe buýt đến trường học, khu thương mại, khu dịch vụ, khu du lịch, tòa nhà văn phòng… Sau khi triển khai thí điểm ở Q.1, công ty IOT dự kiến mở rộng ra toàn TP với 50.000 xe vào cuối năm thứ 3 hoạt động với tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng.

Vì sao không chọn xe đạp?

TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - cho rằng, trên thế giới, để giải quyết bài toàn môi trường cũng như giảm kẹt xe thì các nước khuyến khích người dân đi xe đạp và đi bộ chứ không phải đẩy mạnh xe máy điện. Hiện khu vực trung tâm đang cố gắng giảm xe cá nhân, nếu phát triển xe máy điện sẽ gây thêm kẹt xe. Tuy nhiên, việc triển khai xe đạp ở TPHCM hiện nay cũng khó do không có đường đi riêng cho xe đạp. Hiện nay thành phố giải tỏa lòng lề đường nhưng không tính tới dùng để cho người dân đi xe đạp. “Đề xuất trên chỉ quanh quẩn tiêu đề giảm kẹt xe chứ không biết cách nào làm cho thông minh, hiệu quả và bền vững, ngược lại sẽ làm gia tăng kẹt xe” - TS Phạm Sanh nói.

Cũng theo TS Phạm Sanh, Sở GTVT TP nên coi lại nhu cầu đi xe gắn máy trong khu trung tâm có hay không. Nếu có thì người dân cũng đi xe cá nhân của họ, hoặc đi Uber, Grap. Còn đối với du khách, nếu có nhu cầu đi lại thì họ sẽ thuê xe máy ở khách sạn nơi mình cư trú. Tuy nhiên, TP không nên cấm, cứ để nhà đầu tư làm để đa dạng hóa loại hình đi lại nhưng không trợ giá.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, mô hình xe công cộng đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng nhưng chỉ thành công nếu sử dụng xe đạp. Bởi xe đạp thân thiện với môi trường, rẻ, nhỏ gọn, trong khi sử dụng xe máy sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong quản lý, nhất là việc xử lý pin không gây hại cho môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn