MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: ĐT

Đề xuất tách Tổng cục Đường bộ thành Cục Đường bộ: Bất cập quản lý, lãng phí nguồn nhân lực

Minh Hạnh LDO | 17/06/2022 07:04
Theo tờ trình Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, có nội dung đáng chú ý là đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tách ra làm 2 đơn vị quản lý sẽ dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo…

Lãng phí nguồn nhân lực và quản lý

Thực tế trước đó, Cục Quản lý đường bộ cao tốc được thành lập năm 2013 với chức năng tham mưu cho Tổng cục trưởng thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về đường bộ cao tốc. Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 35/2018/QĐ - TTg về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TCĐB trực thuộc Bộ GTVT theo hướng tinh gọn lại bộ máy, tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, chấm dứt sự tồn tại của Cục Quản lý đường bộ cao tốc chỉ sau 5 năm hoạt động.

Quyết định trên phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Việc sáp nhập các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng giúp gọn nhẹ bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý công việc. Năm 2022, vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ bố trí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc do TCĐB quản lý là 257 tỉ đồng. Nếu Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam được thành lập thì công việc quản lý sẽ ít, gây lãng phí nguồn lực.

Sau 12 năm thành lập, trong những năm qua TCĐB đã có những bước phát triển mạnh mẽ từ quản lý gần 17.000km đường quốc lộ nay lên trên 26.000km và đường cao tốc đang khai thác khoảng 1.227km, trong đó TCĐB quản lý bảo trì trực tiếp 194km trên chính tuyến và đường dẫn, 32km đường nhánh (4 tuyến cao tốc), còn lại 1.033km là đường BOT đầu tư, kinh doanh khai thác và đường cao tốc địa phương quản lý.

Về nhân sự nếu thành lập đơn vị quản lý cao tốc thì sẽ phải lấy khoảng 170 nhân sự từ TCĐB sang mà chỉ quản lý có 200km, trong khi đó đường bộ quản lý khoảng 25.000km là việc quá lãng phí. 

Chồng chéo và bất cập

Theo tờ trình của Bộ GTVT, lý do tách TCĐB thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam là do ý kiến của Bộ Nội vụ cho rằng, TCĐB chưa đáp ứng các tiêu chí thành lập Tổng cục (do có phân cấp địa phương về quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã). 

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng TCĐB cho rằng, nếu bỏ tổng cục là điều đáng tiếc vì chỉ là việc phân cấp đường cao tốc, cấp 1, cấp 2, cấp 3... Điều này sẽ dẫn đến rất nhiều chồng chéo, bất cập trong quản lý. Việc chia tách sẽ rất lãng phí vì năm 2022, cả nước sẽ thêm 261km đường cao tốc và đến hết 2025 sẽ lên 3.000km nhưng nhà nước chỉ quản lý khoảng 500km, còn lại của BOT.

Ông Huyện cho rằng, việc thành lập một Cục riêng quản lý một phần cao tốc trong hệ thống đường bộ là không cần thiết, đi ngược với tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực.

Việc sắp xếp lại TCĐB theo hướng chia tách sẽ có sự trùng lắp, chồng chéo; chưa đảm bảo nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.

Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc hiện nay cũng có rất nhiều đoạn đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, nếu đề xuất của Bộ GTVT được phê duyệt, các doanh nghiệp BOT sẽ rơi vào tình trạng “một cổ 2 tròng”, chịu sự quản lý từ 2 cơ quan tương đương. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ: Tôi không đồng ý tách tổng cục thành 2 cục

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, dù ký đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ nhưng bản thân ông không đồng ý tách tổng cục thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

"Bản thân tôi không đồng ý. Nhưng tôi ký đề án thì phải ký theo sự thống nhất của 4 lãnh đạo và 6 ủy viên thường vụ, chứ bản thân không nhất trí vì tôi sống với ngành đường bộ cả đời, nếu đẻ ra cái gì đó mà què quặt không điều hành được thì rất nguy hiểm" - ông Huyện giãi bày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn