MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người không kỳ vọng ở mức bồi thường mà họ kỳ vọng ở thủ tục. Ảnh: Hải Nguyễn

Đề xuất tăng mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc của xe cơ giới: Vấn đề cần là thủ tục

Cao Nguyên LDO | 07/10/2020 08:18

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức đền bù của bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc lên 150 triệu đồng một vụ về người. Thực tế từ lâu, loại bảo hiểm này giá rẻ nhưng chỉ có khoảng 10%-20% chủ xe xe máy mua. Vậy đề xuất tăng mức đền bù lên liệu có giải quyết được vấn đề, có tăng được người mua hay không. Nhiều chuyên gia cho rằng, mấu chốt ở đây vẫn là thủ tục để được hưởng chế độ này.

Mức đền bù thiệt hại về tài sản vẫn được giữ nguyên

Nội dung này được đề cập trong dự thảo thông tư quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Như vậy, mức đền bù thiệt hại 150 triệu đồng một người trong một vụ tai nạn tăng 50 triệu so với thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính.

Mức đền bù thiệt hại về tài sản vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, đối với trường hợp thiệt hại tài sản do môtô hai bánh, môtô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự gây ra, mức đền bù là 50 triệu đồng một vụ tai nạn. Còn mức đền bù thiệt hại tài sản do ôtô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng gây ra là 100 triệu đồng một vụ.

Bộ Tài chính cũng giữ nguyên biểu phí bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc của chủ xe cơ giới hàng năm, trong đó xe máy trên trên 50cc là 60.000 đồng (chưa VAT), ôtô dưới 6 chỗ không kinh doanh vận tải là 437.000 đồng(chưa gồm VAT). Trong dự thảo này, Bộ bổ sung biểu phí tham gia bảo hiểm cho xe máy điện là 55.000 đồng (chưa gồm VAT).

Bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc không chi trả thiệt hại về người và phương tiện cho người mua bảo hiểm hay được hiểu là chủ xe. Đây là loại bảo hiểm mà công ty bảo hiểm sẽ thay chủ xe để bồi thường cho quyền lợi của nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn.

Hồi tháng 5, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, mức trách nhiệm bồi thường hiện nay chưa theo kịp với chi phí gia tăng của dịch vụ y tế, sửa chữa phương tiện. Đồng thời, phí bảo hiểm được niêm yết nhưng chưa phản ánh đúng rủi ro của từng người, không dựa trên lịch sử tai nạn, chủ xe.

Kỳ vọng đơn giản thủ tục

Còn nhớ, vào giữa tháng 5.2020 để đối phó với đợt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông của cảnh sát giao thông trên phạm vi toàn quốc, nhiều người dân bắt đầu đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Lúc đó, bảo hiểm bắt buộc xe máy bỗng dưng bán chạy bất thường. Nhiều người nhớ lại việc mua thẻ bảo hiểm bắt buộc xe máy lần này bán chạy không khác gì đợt tổng kiểm soát đội mũ bảo hiểm vài năm trước, do tâm lý sợ bị phạt.

Chia sẻ trên các diễn đàn, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là việc bồi thường bảo hiểm phương tiện quá mất thời gian và nhiều thủ tục, thậm chí nhiều trường hợp mất thời gian sau đó không được chi trả…

Rất nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục quy trình bồi thường cho khách hàng khi mua bảo hiểm xe máy, mạnh dạn hủy bỏ các quy định “làm khó” cho người dân khi làm thủ tục bồi thường…

Ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM) cho rằng, đại bộ phận người tham gia bảo hiểm xe máy đều cho rằng rất khó thu đòi bồi thường từ các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (xe máy). Lý do phổ biến là người tham gia không biết phải tìm hiểu cách thu đòi bồi thường như thế nào vì khi tham gia bảo hiểm không hề được tư vấn, cũng như hướng dẫn cách thức yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm một cách chi tiết, đầy đủ. Hơn thế nữa, chính vì không được tư vấn, nên còn khá nhiều người nhầm lẫn giữa bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngành bảo hiểm nên học tập các nước trong khu vực và người dân cũng cần nâng cao ý thức. Ở đây không phải là vấn đề tăng mức bồi thường mà chúng ta nên làm tốt các khâu thủ tục. “Nếu có tai nạn, ở nước ngoài người ta cứ để xe ở hiện trường rồi gọi bảo hiểm, trách nhiệm còn lại thuộc về bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề này chúng ta chưa làm tốt”, ông Thịnh nói.

Sau khi đề xuất đưa ra, có nhiều ý kiến bình luận trái chiều. Anh Nguyễn Minh Hòa (ở Thanh Trì, Hà Nội) đồng tình về việc này, thậm chí anh Hòa còn ủng hộ tăng phí đến 50% đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, khi có tai nạn bất ngờ xảy ra yêu cầu bảo hiểm phải đền bù thỏa đáng và bớt quy trình thủ tục chi trả đền bù. Bởi theo anh Hòa khi tại nạn giao thông không một ai muốn xảy đến với mình. Trong trường hợp những người tham gia giao thông gây tai nạn có chất kích thích trong người; vi phạm nồng độ cồn; không có hoặc giấy phép lái xe không phù hợp thì cần phải xử lý nghiêm.

Trong khi đó, một nhân viên bảo hiểm có uy tín ở Hà Nội (xin được giấu tên) chia sẻ với Lao Động rằng nhiều khách hàng họ đang phàn nàn về thủ tục nhưng thực tế nếu nắm kỹ quy trình thì đó lại là điều dễ. Ví dụ khi xảy ra vấn đề (như tai nạn, va chạm giao thông…) cần phải gọi cho nhân viên bảo hiểm và giữ hiện trường. Lúc đó nhân viên bảo hiểm mới có cơ sở để làm thủ tục bồi thường cho khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn