MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS-TS Bùi Thị An nên xây dựng tuổi nghỉ hưu theo nguyên tắc đảm bảo quyền làm việc của tất cả mọi người là như nhau, nhưng không được cào bằng, mà phân loại đối tượng, ngành nghề.

Đề xuất tăng tuổi hưu: Nếu tuổi nghỉ hưu của nữ không bằng nam là rất lãng phí

Bích Hà LDO | 24/04/2018 19:00
“Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cần được tiếp cận trên nguyên tắc quyền làm việc của tất cả mọi người là như nhau, nhưng không được cào bằng. Tức là trong luật phải đặt vấn đề mọi người đều làm việc, đều nghỉ như nhau, kể cả nam và nữ, trừ người lao động lao động độc hại, nặng nhọc”.

Đây là ý kiến của PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vừa được Bộ LĐTBXH đưa ra.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết, tuy nhiên PGS-TS Bùi Thị An cho rằng cần có lộ trình phù hợp, tránh gây sốc. Đặc biệt, nguyên tắc tính toán cần xem xét tuổi nghỉ hưu như nhau ở cả nam và nữ.

Hai phương án mà Bộ LĐTBXH đưa ra để lấy ý kiến là:

1. Nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm ba tháng;

2. Nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm bốn tháng.

Phương án chốt sẽ do Trung ương quyết định, sau đó Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét sửa luật

“Cá nhân tôi cho rằng những người có trí tuệ, được đào tạo bài bản, có khả năng đóng góp thì việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của họ sẽ có lợi cho xã hội. Với việc giới hạn tuổi nghỉ hưu như lâu nay, sẽ gây ra tình trạng lãng phí chất xám.

Một vấn đề nữa, hiện đội ngũ lao động nữ cũng rất lớn, đào tạo được một người nam cũng như nữ rất khó khăn và tốn kém. Như ở một số loại hình lao động trí óc, nếu tuổi nghỉ hưu của nữ không bằng nam là rất lãng phí. Nếu ưu tiên nữ theo kiểu họ vẫn hăng say làm việc, nghiên cứu nhưng lại bắt họ nghỉ, đang có sức khỏe lại bắt dừng… là việc làm không ổn.

Hiện Tổ chức Y tế Thế giới đã tổng kết rằng tuổi thọ của nữ cao hơn nam. Khi trí tuệ như nhau, thì quyền được làm việc giữa nam và nữ là như nhau.

Vì thế không nên phân biệt tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ mà nên có sự tính toán theo đối tượng, ngành nghề. Tùy điều kiện lao động khác nhau mà có mức tuổi nghỉ hưu khác nhau chứ không thể cào bằng. Không thể có chuyện người làm việc ở môi trường nặng nhọc, độc hại mà cũng kéo dài tuổi nghỉ hưu như người làm hành chính”- PGS-TS Bùi Thị An chia sẻ.

Cũng theo PGS Bùi Thị An, nếu xây dựng phương án tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng ưu tiên nữ, thì nên cho họ có quyền nghỉ sớm 5 năm theo nguyện vọng của NLĐ đối với những loại hình lao động nặng nhọc, độc hại. Thế nhưng phải ưu tiên rút 5 năm đóng bảo hiểm xuống, nếu không nữ sẽ thiệt thòi. Làm được như vậy thì chính sách mới nhân văn, đúng đắn nhất. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn