MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều cao tốc trên cả nước thực hiện theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Ảnh: Đỗ Phương

Đề xuất tăng “vốn mồi” của nhà nước trong hợp đồng PPP giao thông

Hiếu Anh LDO | 30/08/2023 11:14

Quy định hiện hành khống chế vốn nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP giao thông. Quy định này đang gặp vướng mắc trong thực tiễn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) - có hiệu lực từ 1.1.2021, tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP cho các công việc như hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án - khoản 2 Điều 69 Luật PPP.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về bản chất nguồn vốn tham gia của nhà nước trong dự án PPP chỉ mang tính hỗ trợ dự án. Đây là "vốn mồi" nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án.

Tuy nhiên, đối với các dự án qua địa bàn khó khăn, các dự án qua khu vực đồng bằng đông dân cư hay diện tích giải phóng mặt bằng lớn, nếu áp dụng đúng quy định “vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án" sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng đầu tư theo phương thức PPP, kể cả việc nhà nước sẵn sàng chia sẻ phần giảm doanh thu. Do đó, trên thực tiễn không đảm bảo mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo các Nghị quyết vùng và tiến độ đầu tư các dự án trong quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ những vướng mắc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành cơ chế thí điểm khác với quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật PPP theo hướng: Đối với các dự án giao thông đường bộ, tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ định cư. Khi thực hiện giải pháp này sẽ giải quyết được các bất cập nêu trên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, chính sách này nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tiết kiệm nguồn lực, bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.

Dự án đường bộ hình thành sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội cho các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch dọc tuyến hoặc khu vực lân cận, dẫn đến khai thác hiệu quả tiềm năng từ đất đai; đồng thời rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp, người dân.

Chính sách mới nhằm tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn