MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh phiên thảo luận Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số. Ảnh: Ban tổ chức

Đề xuất thành lập Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí

MINH QUÂN LDO | 16/03/2024 19:23

TPHCM – Chiều 16.3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024, các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý có dịp cùng thảo luận một chủ đề dù được nhắc đến nhiều nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự: Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số.

Đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số theo quyết định số 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Một trong những thách thức lớn đối với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số.

Theo nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng Biên tập Báo Dân trí, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí đã phát triển theo hướng tinh vi hơn, đặc biệt trên các nền tảng sử dụng video ngắn như Tiktok, Facebook Reels và Youtube.

"Nghiêm trọng hơn, nhiều trang mạng còn làm giả nội dung báo chí, cắt xén, thêm thắt nội dung sau đó mạo danh các cơ quan báo chí uy tín, gây hoang mang dư luận" - Tổng Biên tập Báo Dân trí nói.

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, vấn đề vi phạm quyền báo chí càng trở nên nhức nhối trước sự bùng nổ của mạng xã hội.

Đáng lo ngại, vi phạm bản quyền sẽ nghiêm trọng hơn trong làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khi "sự chiếm đoạt nằm trong các dòng code, câu lệnh của những cỗ máy tự tổng hợp, tự viết, tự đăng".

Tình trạng đánh cắp bản quyền là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về doanh thu của các cơ quan báo chí đàng hoàng. Trong khi đó, chế tài đối với nạn vi phạm bản quyền còn yếu, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn đề xuất việc hình thành một liên minh bản quyền báo chí. Liên minh này phải kết nối tất cả các cơ quan báo chí để hiệu lực thực tế của nó mang tính bao trùm. Đồng thời, đây phải là liên minh giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông.

Mặt khác, liên minh phải thống nhất được những "luật chơi" có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền "bảo chứng" cũng như đứng ra làm "trọng tài" phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài.

"Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. Trước mắt có thể bằng việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia am hiểu luật pháp, tham khảo những kinh nghiệm quốc tế sẵn có để đề xuất một lộ trình khả thi với các bước cần làm tiếp theo" - nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn gợi mở.

Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho rằng, hiện nay, tài sản số trong lĩnh vực báo chí đã được hình thành. Việc ứng dụng công nghệ sẽ có khả năng hỗ trợ đăng ký bản quyền, kiểm duyệt và phân phối nội dung tự động, liên kết truyền thông nội dung số; hỗ trợ pháp lý, phát hiện và cảnh báo vi phạm.

"Thời gian qua, Trung tâm bản quyền số đã xây dựng Trục Bản quyền số quốc gia giúp các đơn vị có thể tham gia vào các hoạt động bảo vệ bản quyền" - ông Chung thông tin.

Chiều 16.3, sau gần 2 ngày làm việc với 10 phiên thảo luận chuyên sâu, Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 đã chính thức bế mạc.

Dự phiên bế mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các ban, ngành, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu bế mạc, ông Lê Quốc Minh cho biết, sau 10 phiên thảo luận chuyên sâu, diễn đàn đã đón nhận rất nhiều tham luận, ý kiến đánh giá, thảo luận tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu.

Đánh giá cao chất lượng của tất cả 10 phiên làm việc, ông Lê Quốc Minh kỳ vọng những kết quả thảo luận của Diễn đàn báo chí toàn quốc năm nay sẽ được hiện thực hóa và mang lại những thay đổi tích cực trong báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn