MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe đạp lưu thông cùng làn xe máy ở TPHCM không đảm bảo an toàn. Ảnh: Chân Phúc

Đề xuất triển khai xe đạp công cộng ở TPHCM: Khó phù hợp với điều kiện đường sá, thời tiết

MINH QUÂN LDO | 05/10/2020 13:40
Sở Giao thông - Vận tải TPHCM vừa đề xuất UBND TPHCM chấp thuận cho một doanh nghiệp triển khai thí điểm xe đạp công cộng Mobike trên địa bàn thành phố nhằm đa dạng phương thức giao thông đô thị khu vực nội thành, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận xe buýt. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại với điều kiện hạ tầng đường sá, vỉa hè, đặc điểm dân cư tại TPHCM, việc triển khai mô hình cho thuê xe đạp công cộng sẽ không hiệu quả.

Những bất lợi

Với những ưu điểm như thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, tính lưu động cao... đề án triển khai dịch vụ xe đạp công cộng được nhiều người ủng hộ. Theo anh Nguyễn Văn Long - nhân viên văn phòng ở quận 1, việc phát triển xe đạp công cộng sẽ góp phần làm tăng tính kết nối với một phương tiện công cộng khác là xe buýt.

“Ý tưởng này rất hay. Khi đó, người dân có thể đi xe buýt đến trung tâm TPHCM rồi thuê xe đạp đi từ 1-2km đến chỗ làm, học tập, không cần sử dụng phương tiện cá nhân nữa. Chỉ cần chất lượng xe tốt, phục vụ tốt, tôi nghĩ mọi người sẽ hào hứng tham gia” - anh Long nêu quan điểm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại với kiện hạ tầng đường sá, vỉa hè, đặc điểm dân cư tại TPHCM như hiện nay, việc triển khai mô hình cho thuê xe đạp công cộng sẽ không hiệu quả. Trần Tấn Bình - một bạn trẻ làm văn phòng tại quận 1 - đi làm bằng xe đạp từ 4 năm nay. Mỗi ngày, Bình đạp xe từ nhà ở quận 8 đến cơ quan. Bình cho biết, đạp xe mỗi ngày 20km vừa đi vừa về thì sức khỏe tốt, đỡ ốm vặt.

Ngoài ra, Bình không tốn tiền đổ xăng, gặp mưa ngập nước vẫn đạp xe tốt, kẹt xe có thể vác xe lên lề, thi thoảng đi lối tắt được... Tuy nhiên, trải qua thời gian dài đạp xe, những bất lợi Bình gặp phải không phải ít, nhất là việc xe đạp đi hỗn hợp với xe máy trên đường khá mệt mỏi. “Nhiều người bạn của tôi từng chuyển sang đi xe đạp, nhưng sau một thời gian, họ đành phải từ bỏ vì có quá nhiều bất tiện” - Bình nói.

Thực tế, đầu năm 2018, Đại học Quốc gia TPHCM triển khai 2.000 xe đạp cộng đồng phục vụ việc đi lại cho hơn 60.000 sinh viên, cán bộ và giảng viên trong khu đô thị đại học. Theo đó, xe được đặt tại các cổng trường, ký túc xá (KTX), trạm xe buýt, căng tin hay bất cứ nơi nào có vạch sơn chỉ dẫn. Người dùng có thể lấy xe tại một trạm và trả tại các trạm cố định khác trong khu đô thị. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, kế hoạch này gần như “phá sản”. Lý do là sinh viên vẫn chọn xe máy hoặc xe buýt làm phương tiện di chuyển và ít thuê xe đạp để đi trong khu vực Làng đại học.

Cần cân nhắc kỹ

TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng, việc triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại trung tâm TPHCM cần có sự tính toán kỹ vì đã có nhiều dự án thất bại ở các nước khác, nhất là tại các nước khí hậu nhiệt đới. Chẳng hạn, việc triển khai ở thủ đô Manila (Philippines) không thành công như mong đợi vì thiếu đường cho xe đạp và khí hậu khi thì nóng, khi thì ẩm ướt. Tại Trung Quốc, chính quyền một số thành phố thực hiện rất bài bản với ngân sách lớn nhưng đáng ngạc nhiên là sau một thời gian lại hình thành những “bãi rác” xe đạp khổng lồ. Hay Melbourne (Australia), đường sá rộng rãi và trong lành nhưng cũng ít người dân đi xe đạp vì phương tiện công cộng của thành phố rất tốt.

“Những bất lợi trong việc đi xe đạp tại TPHCM là thời tiết khô nóng, không mát mẻ như những thành phố triển khai thành công trên thế giới. TPHCM hiện cũng không có làn đường riêng cho xe đạp nên người đi xe đạp có cảm nhận là không an toàn” - ông Cương nói.

Trong khi đó, tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức - cho hay, dịch vụ xe đạp công cộng là mô hình phù hợp trong xu thế giao thông hiện nay. Tuy nhiên, để dịch vụ này thực sự hữu ích, bên cạnh chất lượng dịch vụ thì cũng rất cần đến chính sách hỗ trợ từ phía chính quyền. Ngoài ra, cũng cần có một cái nhìn cụ thể về vai trò của xe đạp công cộng trong chiến lược phát triển giao thông công cộng của thành phố, để các loại hình này có thể tương hỗ phát triển lẫn nhau.

“Nếu như chúng ta chỉ dừng lại ở mức thí điểm mà không có sự hỗ trợ của thành phố thì khả năng thành công không cao, không được gắn vào một chính sách phát triển chung thì sẽ dễ bị chết yểu” - ông Tuấn nêu ý kiến.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, giai đoạn thí điểm sẽ cung cấp 388 xe đạp đặt tại 43 vị trí ở các tuyến đường lớn quận 1 và dọc tuyến dự kiến làm đường ưu tiên cho xe buýt ở các phố Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3). Các trạm xe đạp công cộng có diện tích 20-30m2 với số lượng 10-20 xe được bố trí trên vỉa hè gần các trạm xe buýt.

Giá vé sử dụng xe đạp công cộng là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Nhà nước sẽ không trợ giá vé.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn