MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đến An Giang chiêm ngưỡng thánh đường của người Chăm

Lục Tùng LDO | 19/01/2023 19:56
An Giang - Thánh đường của người Chăm đẹp, "độc" mà mọi du khách cần phải đến khi du lịch An Giang.

Có dịp du ngoạn An Giang, xin đừng bỏ qua cơ hội khám phá thánh đường người Chăm. Đây không chỉ là công trình tôn giáo đẹp mà còn độc lạ về kiến trúc và thờ tự.

Yếu tố góp phần tạo nên phong cách kiến trúc sắc diện riêng là mái vòm và ngọn tháp.

Nhìn từ bên ngoài, thánh đường người Chăm An Giang nổi bật với hình tượng mái vòm. Ảnh: Lục Tùng

Đứng từ xa, mọi người như bị “hút mắt” bởi kiến trúc hình “củ hành” ngự ở vị trí trung tâm trên nóc. Cao bên trên là hình tượng tôn giáo “vành trăng khuyết và ngôi sao năm cánh. Chính kiến trúc độc lạ này không chỉ làm “rụng tim” du khách bởi sự hài hoà giữa yếu tố đời thường và sự thanh cao thoát tục của tôn giáo. Hơn thế nữa, đây cũng chính là điểm nhấn để tiếng cầu kinh cô-ran thêm linh thiêng, vang vọng… 

Theo các bậc “lão làng” ở làng Phũm Soài (thị xã Tân Châu – An Giang), đối với người Chăm theo đạo Islam ở An Giang, thánh đường là nơi trang trọng nhất trong đời sống nên mỗi làng phải chung sức, chung lòng đóng góp xây dựng.

Thánh đường người Chăm ở huyện An Phú (An Giang). Ảnh: Lục Tùng

Vì thế, không chỉ đẹp về dáng vẻ bên ngoài, thánh đường còn được chăm chút đầu tư rất công phu từ chi tiết nhỏ bên trong. Trước hết là vị trí xây dựng. Theo đó, thánh đường phải được xây theo hướng Đông - Tây để khi cầu nguyện, tín đồ luôn hướng về phía thánh địa Mecca.

Do những quy định của Thánh kinh nên kiến trúc của các thánh đường ở An Giang cũng vô cùng độc đáo. Trước hết, thánh đường phải có khoảng sân rộng lớn để đảm nhiệm vai trò cho việc tụ tập đông người và cầu nguyện ngoài trời. Kế đến là nhà nguyện. Đây là hạng mục công trình chính của thánh đường, là nơi tín đồ tập trung cầu nguyện mỗi ngày, đông đảo nhất là vào thánh lễ trưa ngày thứ sáu hay trong những dịp lễ nên được đầu tư công phu nhất. Nhưng khác so với các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo khác, thánh đường không hề có bàn thờ, tượng, ảnh thờ. Bởi tín đồ chỉ công nhận một đấng duy nhất một Allah (Thượng đế), nhưng do Allah không có hình dáng cụ thể nên không thể tưởng tượng ra để thờ cúng…

Bên trong thánh đường người Chăm ở An Giang. Ảnh: Lục Tùng

Chính từ quan niệm đó mà nội thất thánh đường (nhà cầu nguyện) trống trải đến khác lạ so với các cơ sở tôn giáo khác, ngoại trừ 2 yếu tố: Hốc lõm trên tường phía Tây giúp tín đồ hướng cầu nguyện về phương thánh địa và bục phía trước hốc lõm để diễn giả đứng hay ngồi nói chuyện với tín đồ.

“Lão làng” người Chăm thành kính tại thánh đường. Ảnh: Lục Tùng

Độc đáo hơn là dù thánh đường quy mô hoành tráng hay khiêm tốn, cũng đều nhất định phải có bể nước để các tín đồ tẩy rửa thân mình để khi bước vào nhà nguyện hành lễ với thân tâm sạch nhất. Đặc biệt hơn khi đến đây, sẽ được nghe kể nguồn gốc sự tích đầy thú vị về vai trò người phụ nữ ở thánh đường. Bởi dù đang duy trì “chế độ mẫu hệ”, nhưng thánh đường không có bóng dáng người phụ nữ Chăm dự lễ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn